Thủ tướng: Không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng tới tăng trưởng

Thủ tướng yêu cầu không vì vụ việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam mà làm ảnh hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.
Thủ tướng: Không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng tới tăng trưởng ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Phiên họp Chính phủ tháng 5. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Ngày 29/5, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5/2014, thảo luận về tình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 tháng đầu và các giải pháp những tháng tiếp theo, trong đó thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến các tác động xung quanh tình hình xảy ra trên Biển Đông.

Kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ cho rằng, trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông đã gây tác động nhất định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam.

Đặc biệt là sự cố một số người biểu tình, có hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản của doanh nghiệp doanh nghiệp tại một số địa phương, trong đó có doanh nghiệp FDI vừa qua đã gây thiệt hại về vật chất và ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của nhà đầu tư cũng như ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự tích cực vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, tình hình đã nhanh chóng ổn định trở lại, hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì và tiếp tục đà tăng trưởng và phát triển, đảm bảo được sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Nổi bật là lạm phát tiếp tục được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định, cung-cầu hàng hóa được bảo đảm. So với tháng 12/2013, chỉ số giá tháng Năm có mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ hơn 10 năm qua. Xuất khẩu năm tháng đầu năm tăng cao, tiếp tục có xuất siêu.

Tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt cao hơn cùng kỳ; cán cân thặng dư tăng mạnh. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có những chuyển biến tích cực với tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ ... Bên cạnh đó, an sinh xã hội được bảo đảm; các biện pháp bảo đảm trật tự xã hội được tăng cường.

Thủ tướng: Không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng tới tăng trưởng ảnh 2Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai nghiêm túc, thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ trong xử lý tình huống, hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại như miễn giảm thuế, tiền thuê đất, cung cấp nhân lực... Hiện hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị phá hoại đã ổn định và trở lại hoạt động bình thường.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, hiện nay hoạt động trao thương mại giữa Việt Nam-Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường; ở các dự án về nhiệt điện, sản xuất thép, phân đạm và các dự án sản xuất Alumine ở Tây Nguyên do Trung Quốc làm tổng thầu hoặc tham gia đầu tư, xây dựng, tiến độ vẫn được đảm bảo và không bị ảnh hưởng bởi các vụ việc vừa qua.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề xuất bên tranh đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, cần tiếp tục duy trì các hoạt động hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại, đầu tư Việt Nam-Trung Quốc.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, hoạt động ngân hàng thời gian qua tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, bảo đảm được an toàn của toàn hệ thống. Các nhà đầu tư là các ngân hàng nước ngoài, trong đó có các ngân hàng của Trung Quốc tiếp tục khẳng định sự cam kết mạnh mẽ và mong muốn được đầu tư lâu dài vào thị trường Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề nghị các bộ, ngành chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong thực hiện giải pháp mở rộng thị trường nông sản, đặc biệt là đối với những sản phẩm nông sản chủ lực đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm tra, quản lý thị trường hàng hóa nói chung, bảo đảm cân đối cung cầu, chống đầu cơ, buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng..

Các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải đề nghị phải tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại vừa qua, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan về những diễn biến ở Biển Đông; đảm bảo nguồn vốn, tiến độ các dự án điện...

Nhận định xu hướng phục hồi kinh tế là tốt, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý cần kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh trong phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; quan tâm mở rộng thị trường xuất khẩu;...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, phải quyết không được để tái diễn các vụ việc đáng tiếc như đã xảy ra đối với các doanh nghiệp ở một số địa phương vừa qua. Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành chức năng tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học và đại học, cao đẳng sắp tới; kiểm soát chặt chẽ giá sữa.

Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh tiến độ, ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các công trình dự án trọng điểm quốc gia; thúc đẩy giải ngân vốn ngân sách, ODA, FDI; tiếp tục điều hành đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ; kiểm soát tốt lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện hiệu quả các chính sách đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; ... cũng là những vấn đề lớn được các thành viên Chính phủ đề cập trong thảo luận.

Bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

Đề cập tới vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, việc Trung Quốc ngang nhiên đưa và hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một Bên tham gia ký kết.

Hành động này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Trước tình hình nêu trên, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc bằng các giải pháp hòa bình theo đúng luật pháp quốc tế.

Thủ tướng: Không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng tới tăng trưởng ảnh 3Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu về tình hình Biển Đông. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Từ việc làm ngang ngược của Trung Quốc, cả dân tộc Việt Nam đều bày tỏ sự phẫn nộ, cực lực phản đối, lên án. Trong phản đối, ở một số địa phương đã xuất hiện tình trạng biểu tình tự phát, trong đó có một số người bị kích động, dẫn tới manh động, vi phạm pháp luật và đã phá hoại tài sản của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài.

Trước tình hình này, chúng ta đã kịp thời chỉ đạo xử lý dứt điểm, không để tái diễn tình hình, kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp một cách hết sức chân thành, qua đó hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị phá hoại đã ổn định và đi vào hoạt động bình thường .

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trước vụ việc giàn khoan Hải Dương 981, chúng ta đã thực hiện đấu tranh hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Cụ thể, bằng các kênh giao thiệp, chúng ta đã đấu tranh bằng con đường ngoại giao, trong gần 1 tháng qua, Việt Nam đã có trên 30 cuộc giao thiệp với lãnh đạo các cấp của Trung Quốc để công khai nói rõ với Trung Quốc về hành vi sai trái của họ; thể hiện ý chí của Việt Nam trong việc cương quyết yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan hạ đặt trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Cùng với đó, Việt Nam cũng đã đấu tranh trên thực địa bằng việc duy trì lực lượng chấp pháp, tàu cá ở khu vực giàn khoan mà Trung Quốc hạ đặt trái phép đồng thời thông tin, tuyên truyền cho nhân dân, dư luận trong nước và quốc tế về những hành động phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam.

Qua đấu tranh đã thể hiện ý chí của Việt Nam trong việc cương quyết yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan hạ đặt trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; thể hiện rõ thiện chí của Việt Nam là mong muốn xử lý vấn đề này bằng hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; các giải pháp về đấu tranh với Trung Quốc được sự đồng thuận trong nhân dân; các nước trên thế giới cũng lên tiếng rộng rãi, ủng hộ việc làm chính nghĩa của Việt Nam, phê phán, lên án các hành vi sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc và hiện chưa có lãnh đạo của quốc gia nào tuyên bố việc làm của Trung Quốc là đúng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, chủ trương của Việt Nam là tiếp tục kiên quyết đấu tranh trên thực địa , khẳng định chủ quyền ở vùng biển của Việt Nam theo luật pháp quốc tế bằng lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, bằng tàu cá để cản phá, đẩy đuổi các tàu của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan hạ đặt phi pháp khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Việt Nam cũng tiếp tục kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng con ngoại giao để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng các biện pháp hòa bình, còn biện pháp đấu tranh bằng pháp lý về vụ việc giàn khoan Hải Dương-981 sẽ được lãnh đạo cấp cao cân nhắc quy ết định việc áp dụng một cách phù hợp theo luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục công khai với dư luận và cộng đồng quốc tế về các hành vi sai trái, ngang ngược của Trung Quốc một cách trung thực, khách quan thông qua các kênh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ làm hết sức mình để gìn giữ quan hệ hữu nghị với Trung Quốc trên các lĩnh vực khác, đảm bảo quan hệ bình thường. Tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với Trung Quốc vì lợi ích của cả 2 bên đồng thời cũng phải tính toán, xây dựng các phương án nhằm ứng phó với những biến động, bất lợi có thể phát sinh trong các quan hệ kinh tế cụ thể giữa 2 nước.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội trong tháng Năm và năm tháng đầu năm 2014 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đúng hướng; nhấn mạnh tuy có vấn đề nảy sinh là Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của của đất nước, song bên cạnh đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo các gia, các Bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo không vì vụ việc này mà làm ảnh hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải phấn đấu, nỗ lực cao nhất để đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2014, đặc biệt là mục tiêu về kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Đề cập tới nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trước hết cần đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; cải thiện môi môi trường, thu hút đầu tư đồng thời quyết liệt hơn nữa trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp.

Nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo là tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành chức năng tăng tổng cầu; rà soát, vừa xử lý nợ xấu, vừa tăng tính dụng, đặc biệt là tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp xuất khẩu; tiếp tục quan tâm mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; kiểm soát tốt thị trường vàng, ngoại tệ, chứng khoán, không để xảy ra biến động ở những thị trường này; thực hiện hiệu quả việc quản lý giá cả thị trường, đặc biệt là đối với giá sữa, kịp thời điều chỉnh những chính sách không phù hợp liên quan đến giá sữa. Quyết liệt trong công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái.

Bên cạnh đó, chú trọng hơn nữa đến công tác công tác phát triển y tế, văn hóa, giáo dục, giảm nghèo, cải cách hành chính... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo phải thực hiện theo đúng tiến độ tiến độ xây dụng các nghị định, luật, thông tư,... không để chậm, để nợ động văn bản quy phạm pháp luật đồng thời tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, nhằm tạo đồng thuận, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra cho năm 2014 và các năm tiếp theo.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng thảo luận và cho ý kiến về Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị định của Chính phủ về một số chính sách và giải pháp phát triển thủy sản đến năm 2020. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục