Tiếp tục chuyến công tác tại Đồng bằng sông Cửu Long, sáng 13/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra, đôn đốc, động viên các lực lượng thi công Dự án Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng.
Đây là lần thứ ba Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đôn đốc triển khai xây dựng các dự án đường bộ cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long với mong muốn trong nhiệm kỳ này hoàn thành khoảng 600km cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long và nhiệm kỳ sau tiếp tục hoàn thành khoảng 600km, để cả vùng có khoảng 1.200km cao tốc theo quy hoạch và cơ bản giải quyết vấn đề giao thông cho vùng.
Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; lãnh đạo các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc đi qua và một số tỉnh trong khu vực.
Dự án đường bộ Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1 - tuyến giao cao tốc trục ngang của Đồng bằng sông Cửu Long (theo quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long có 6 tuyến cao tốc, gồm 03 tuyến cao tốc trục dọc và 03 tuyến cao tốc trục ngang) có tổng chiều dài 188,2km.
Trong số đó, dự án thành phần 1 tại tỉnh An Giang có chiều dài 57,2km; dự án thành phần 2 tại thành phố Cần Thơ dài 37,2km; dự án thành phần 3 tại tỉnh Hậu Giang dài gần 37km và dự án thành phần 4 tại tỉnh Sóc Trăng dài 56,9km.
Trên tuyến bố trí 18 nút giao, 133 cầu. Dự án có tổng mức đầu tư là 44.691 tỷ đồng; dự án được khởi công tháng 6/2023, dự kiến toàn tuyến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2027.
Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đạt 99%, chủ yếu chỉ còn khoảng 1% tập trung tại 86 hộ dân và công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là 15 vị trí đường điện cao thế.
Nguồn vật liệu phục vụ san lấp thông thường cơ bản đảm bảo. Trong đó, nhu cầu cát đắp nền cho Dự án khoảng 29 triệu m3. Tuy nhiên, công suất khai thác còn thấp nên cần nâng công suất. Các vật liệu khác như đá làm cấp phối đá dăm, đất đắp đều đã được sắp xếp điều phối trong vùng.
Về tiến độ, lũy kế sản lượng thi công toàn dự án đạt khoảng 9,3% giá trị hợp đồng. Ngoài nguyên nhân thiếu hụt nguồn cát giai đoạn đầu thì công tác điều hành, chỉ đạo của địa phương, chủ đầu tư chưa thực sự quyết liệt, chưa khoa học, cần khắc phục.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra tình hình triển khai Dự án thành phần 2 tại Nút giao Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ và kiểm tra tình hình triển khai Dự án thành phần 3 tại Nút giao QL61C, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang.
Tại các điểm đến kiểm tra, Thủ tướng Chính phủ tìm hiểu về công tác giải phóng mặt bằng; việc cung ứng nguyên vật liệu; tiến độ thi công; địa chất nền đường; việc mở các nút giao; kết nối các tuyến giao thông trục dọc, trục ngang; đồng thời tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ nhằm thúc đẩy triển khai dự án đảm bảo tiến độ, kỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường.
Thăm hỏi, động viên, tặng quà lực lượng đang trực tiếp thi công tại công trường, Thủ tướng Chính phủ mong muốn cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động khắc phục khó khăn, tranh thủ thời tiết, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp,” “vượt nắng, thắng mưa,” “thi công xuyên ngày nghỉ lễ,” “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương,” với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi” để lấy lại tiến độ, phấn đấu vượt tiến độ đề ra.
Sau khi kiểm tra, khảo sát thực địa, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc làm việc “đầu bờ” với các bộ, ngành, địa phương, nhà thầu nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy dự án và các dự án khác với quyết tâm trong nhiệm kỳ này hoàn thành khoảng 600km cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long và nhiệm kỳ sau tiếp tục hoàn thành khoảng 600km, để cả vùng có khoảng 1.200km cao tốc cùng với hệ thống giao thông thủy nội địa, các cảng lớn như Cái Cui, Ô Môn, Trần Đề, các sân bay… cơ bản giải quyết vấn đề giao thông cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh để thực hiện được mục tiêu này, các địa phương phải đồng hành, sát cánh cùng Trung ương với quyết tâm cao hơn, nỗ lực hơn, hành động quyết liệt hơn nữa, có trọng tâm trọng điểm hơn nữa để hệ thống giao thông cùng với các biện pháp đồng bộ khác sẽ tạo động lực mạnh mẽ phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, đẩy nhanh đô thị hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, xây dựng “phố trong làng,” tạo việc làm sinh kế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, người dân không phải ly hương tìm việc làm, sinh kế.
Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận, biểu dương nỗ lực, quyết tâm của các địa phương đã cùng các bộ, ngành trong khảo sát hướng tuyến, cân đối nguồn vốn cho dự án cao tốc này trong điều kiện khó khăn sau đại dịch COVID-19; tích cực giải quyết các khó khăn liên quan tới nguyên vật liệu thông thường (cát, đá, sỏi…) cho dự án; các nhà thầu Trường Sơn, Trung Nam và các nhà thầu khác đã tích cực tham gia dự án.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục mở rộng các mỏ nguyên vật liệu đã có và triển khai nhanh các thủ tục để mở các mỏ mới cung cấp nguyên vật liệu cho dự án.
Các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, trong đó các đơn vị điện lực tích cực di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là các đường điện trong diện phải di dời.
Nhắc lại thúc đẩy thi công theo phương châm "vượt nắng, thắng mưa," "3 ca, 4 kíp," "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương," "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm", chỉ bàn làm, không bàn lùi,” Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu huy động nhân lực, trang thiết bị thi công để lại thời gian, tiến độ bị chậm và phấn đấu vượt tiến độ.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý các nhà thầu lớn cần hợp tác các nhà thầu địa phương để huy động nhân lực tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ và hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà thầu địa phương cùng trưởng thành, cùng phát triển, đủ năng lực đảm nhận các công trình khác về sau này.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện, xã và nhân dân, doanh nghiệp vào cuộc, thường xuyên quan tâm, kiểm tra, động viên các lực lượng thi công, hỗ trợ về ăn ở, nhân công…; nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và bảo đảm người dân đến nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ.
Sáng cùng ngày, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2024), Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đã dâng hương tưởng nhớ, tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ thành phố Cần Thơ - nơi yên nghỉ của gần 3.800 liệt sỹ đã ngã xuống trong các cuộc kháng chiến cứu nước và nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng, liệt sỹ, trong không khí trang nghiêm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tỏ lòng thành kính, nhớ ơn vô hạn công lao to lớn của thế hệ đi trước, các Anh hùng liệt sỹ, đồng bào, đồng chí vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; nguyện nêu cao và phát huy truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, chung sức, chung lòng bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, đời sống nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no./.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra Dự án Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng
Trong chuyến công tác tại Đồng bằng sông Cửu Long, sáng 13/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ triển khai Dự án Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng.