Dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có tổng chiều dài 105km, với tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD) đi qua 4 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ấn nút thông xe vào chiều nay (5/12) tại xã Tân Tiến, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) - chủ đầu tư dự án cho biết, việc đầu tư dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sẽ phát huy hiệu quả các dự án hạ tầng khác như cảng biển, sân bay và các quần thể du lịch, thúc đẩy giao thương, du lịch, dịch vụ và sản xuất trong khu vực phát triển.
Theo đó, tuyến đường cao tốc này sẽ giảm tải cho Quốc lộ 5, giảm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí xăng dầu cho các phương tiện vận tải lưu hành từ Hà Nội đến Hải Phòng đồng thời đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc cho các phương tiện vận tải lưu thông trên tuyến.
Ông Lê Văn Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Phòng nhìn nhận, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng là tuyến đường giao thông huyết mạch, có mật độ lưu thông vận chuyển hàng hóa lớn nhất cả nước. Khi dự án được thông xe sẽ giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên Quốc lộ 5, kết nối kinh tế-xã hội với các vùng phía Bắc.
Phát biểu tại buổi lễ thông xe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sau bảy năm với nhiều nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn và thử thách, đến hôm nay cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã đưa vào khai thác và sử dựng, đây là một công trình đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam, đạt tiêu chuẩn thiết kế tiên tiến của thế giới.
“Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có vị trí quan trọng trong hệ thống đường cao tốc nước ta, cùng với các tuyến đường cao tốc tại Đồng bằng Bắc Bộ là xung lực, khâu đột phá để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của khu vực và là một thể hiện sinh động của việc thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng của Đảng và Nhà nước,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cũng đánh giá cao Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam được giao làm chủ đầu tư; Bộ Giao thông Vận tải, các ngân hàng của nước ngoài như Hàn Quốc, Ấn Độ.. các bộ ngành liên quan; các địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng; các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công; cán bộ, kỹ sư, người lao động đã kiên trì, nỗ lực phấn đấu, vượt qua rất nhiều khó khăn, làm việc vất vả trên công trường trong những năm vừa qua để đưa công trình giao thông vô cùng ý nghĩa về đích và thông xe ngày hôm nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cảm ơn hơn 47. 000 hộ đồng bào trong vùng nơi dự án đi qua đã chấp nhận tái định cư, bàn giao đất mặt bằng để các nhà thầu có thể thi công xây dựng tuyến đường này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu phải tiếp tục hoàn tất các hạng mục còn lại để tuyến cao tốc đảm bảo đúng thiết kế, thật sự là con đường đồng bộ, hiện đại nhất Việt Nam. Các địa phương có đường đi qua cập nhật lại quy hoạch để phát triển công trình theo quy mô được duyệt để hoàn thành đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông./.
Dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng khởi công từ tháng 5/2008 và hoàn thành vào năm nay với tổng chiều dài là 105,5km, quy mô 6 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế là 120km/giờ. Bề rộng nền đường 33m, 54 cầu lớn nhỏ, 108 cống chui dân sinh, 9 nút giao liên thông khác mức.
Tuyến đường được VIDIFI áp dụng mức phí khoảng 1.500 đồng/km với xe tiêu chuẩn, phân thành 5 nhóm xe và tính phí theo quãng đường thực đi.
Mức phí thấp nhất đi toàn tuyến với xe dưới 12 chỗ, xe buýt, xe tải trọng dưới 2 tấn là 160.000 đồng. Mức phí cao nhất cao nhất trên toàn tuyến là 840.000 đồng áp dụng với xe tải trọng 18 tấn trở lên, xe chở container 40 feet.
Với tổng mức đầu tư 45.487 tỷ đồng, tuyến cao tốc dài 105km với 6 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/giờ sẽ giúp thời gian chạy xe từ Hà Nội xuống Hải Phòng còn 1 giờ.
Hướng đi từ Hà Nội lên cao tốc ở nút giao đầu tuyến với đường vành đai 3 Hà Nội:
- Hướng vào nút giao:
Từ đường vành đai 3-thành phố Hà Nội: Xe đi theo hướng từ cầu Thanh Trì đi Quốc lộ 5, Bắc Ninh hoặc ngược lại, gặp biển báo "Lối vào đường cao tốc" (cách mố Bắc cầu Thanh Trì khoảng 1,25km) rẽ phải theo biển chỉ dẫn để nhập vào đường cao tốc.
Từ trung tâm thành phố Hà Nội: Xe đi qua cầu Vĩnh Tuy, rẽ phải theo đường Cổ Linh (Long Biên), gặp biển báo chỉ dẫn hướng đi đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, lên đường vành đai 3 rẽ phải theo biển chỉ dẫn để nhập vào đường cao tốc.
- Hướng ra nút giao:
Đi cầu Vĩnh Tuy, trung tâm Hà Nội: Xe đi theo hướng Hải Phòng-Hà Nội đến Km 0+600 gặp biển báo chỉ hướng đi cầu Vĩnh Tuy, Thạch Bàn, rẽ phải theo biển chỉ dẫn ra đường Cổ Linh lên cầu Vĩnh Tuy để vào trung tâm thành phố Hà Nội.
Đi cầu Thanh Trì, Bắc Ninh, Quốc lộ 5: Xe đi trên đường cao tốc hướng từ Hải Phòng về Hà Nội: Đến Km 0+200 gặp biển báo chỉ hướng rẽ phải theo đường nhánh để đi Quốc lộ 5, Bắc Ninh, Lạng Sơn; đi thẳng lên cầu vượt xuống đường vành đai 3 để đi cầu Thanh Trì, Mỹ Đình, Pháp Vân.