Tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng, ngày 2/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết Đảng, Nhà nước đang khẩn trương chuẩn bị, củng cố hồ sơ pháp lý để sẵn sàng đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế về những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc thực nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2014 bên cạnh mặt thuận, Việt Nam cũng phải phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Đặc biệt là từ đầu tháng Năm, việc Trung Quốc bất chấp đạo lý, pháp lý, bất chấp thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao, quan hệ hữu nghị giữa hai nước, đã ngang nhiên đưa và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây tác động nhất định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Việt Nam-Trung Quốc; đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực.
Việc làm này của Trung Quốc đã làm cả dân tộc ta phẫn nộ, lên án; Đảng, Nhà nước và toàn dân tộc đã đoàn kết, chung sức, nhất trí, đồng lòng, kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Cùng với đó, chúng ta cũng đã làm hết sức mình để gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Trong bối cảnh như trên, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm 2014 tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên các mặt kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã kịp thời, kiên quyết, kiên trì trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển bằng đấu tranh ngoại giao, công bố công khai trước cộng đồng quốc tế về hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông và đấu tranh trên thực địa.
Thủ tướng một lần nữa khẳng định lập trường kiên quyết của Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan hạ đặt trái phép ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các giải pháp đề ra trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo được sự đồng tình ủng hộ của toàn dân tộc, của cộng đồng quốc tế. Các nước trên thế giới đã lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam và phê phán, lên án các hành vi sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc và đến nay chưa có một quốc gia nào ủng hộ việc làm của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; không chấp nhận, không khuất phục một sự áp đặt, de dọa, lệ thuộc nào đó, chúng ta đã, đang và sẽ làm như vậy.
Thủ tướng cũng cho biết, Đảng, Nhà nước đang khẩn trương chuẩn bị, củng cố hồ sơ pháp lý để sẵn sàng đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế về những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam .
Mặt khác, Việt Nam cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo quan hệ bình thường trên các lĩnh vực; tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với Trung Quốc vì lợi ích của cả hai bên, đồng thời cũng tính toán, xây dựng các phương án nhằm ứng phó với những tình huống bất lợi có thể phát sinh trong các quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội những tháng cuối năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới các mục tiêu lớn là phải bằng mọi biện pháp, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan đang hoạt động phi pháp ra khỏi vùng biển của Việt Nam; giữ vững ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phục vụ cho các mục tiêu xây dựng và phát triển của đất nước ...
Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ sẽ nỗ lực tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế; quyết liệt thực hiện tái cơ cấu kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội; thúc đẩy sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo; làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe y tế cho nhân dân; giải quyết việc làm cho người lao động; không ngừng củng cố tiềm lực an ninh quốc phòng;…
Tại buổi tiếp xúc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã trao đổi, giải đáp các kiến nghị của cử tri nhất là các kiến nghị liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép ra khơi bám biển; hỗ trợ Hải Phòng đầu tư xây dựng hạ tầng; cơ chế; chính sách liên quan đến phát triển cảng biển; việc thực thi một số Luật vừa được Quốc hội thông qua.
Cũng tại buổi tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã báo cáo với cử tri những kết quả chính của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII; khẳng định sau hơn 1 tháng (từ 20/5-24/6/2014) làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 7 của Quốc hội đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đặc biệt, trước việc Trung Quốc ngang nhiên đưa và hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tại kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận kỹ, sâu sắc về vụ việc nghiêm trọng này và ra thông cáo tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam trước đồng bào ta và cộng đồng quốc tế.
Các cử tri cho rằng kỳ họp thứ thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã quyết định, thông qua nhiều quyết sách quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đồng thời bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề cập tới nhiều vấn đề lớn của đất nước trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trước vụ việc Trung Quốc bất chấp đạo lý, pháp lý, ngang nhiên đưa và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng 5/2014, cử tri Vũ Đình Thảo (phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền), cử tri Phạm Tiến Hiển (phường Cầu Tre), cử tri Lương Công Nhớ (phường Đông Khê),… cho rằng lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông là rứt khoát, rõ ràng; Đảng và Nhà nước đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, kiên quyết đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam; cùng với đó, môi trường hòa bình, ổn định cũng đã được giữ vững, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Cử tri tỏ tuyệt đối tin tưởng, đồng tình , ủng hộ chủ trương, quyết sách , các giải pháp của Đảng, Nhà nước đề ra trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; bày tỏ mong muốn Đảng và Nhà nước có những giải pháp kiên quyết hơn trong yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan hoạt động phi pháp trong vùng biển của Việt Nam; tăng cường hơn nữa công tác thông tin, truyên truyền về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia; vạch trần hành vi sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế, âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc; tăng cường đầu tư phương tiện, trang thiết bị hiện đại cho lực lượng thực thi pháp luật trên biển…
Ý kiến của nhiều cử tri mong muốn các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác truyền truyền pháp luật; kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật; sớm cụ thể hóa, đưa các quyết sách vừa được kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII thông qua vào cuộc sống ; quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí…
Đánh giá cao những ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm của các cử tri, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng sẽ tiếp thu các kiến nghị của cử tri và chuyển lên Quốc hội; đồng thời với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng cũng sẽ tiếp thu, xử lý, giải quyết các kiến nghị của cử tri cũng như sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.