Thủ tướng yêu cầu báo cáo tiến độ triển khai Dự án cao tốc Bắc-Nam

Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam là công trình quan trọng quốc gia ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2017-2020, có ý nghĩa quyết định đến phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
Đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn. Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn. Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Trước thông tin phản ánh Dự án cao tốc Bắc-Nam đang chậm tiến độ, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Giao thông Vận tải báo cáo về vấn đề này.

Báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, hiện 13 địa phương có dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đi qua mới bàn giao được 166/653,6km mặt bằng cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.

Theo kế hoạch, các địa phương dự kiến bàn giao đất nông nghiệp trước ngày 31/12/2019 và hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong quý 2/2020. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng đã chậm so với tiến độ yêu cầu, không đảm bảo tiến độ hoàn thành bàn giao toàn bộ đất nông nghiệp trong năm 2019. Nếu các địa phương không đôn đốc quyết liệt các hội đồng giải phóng mặt bằng, tiến độ bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý 2/2020 sẽ không đảm bảo kế hoạch đề ra.

Cũng theo phản ánh, tiến độ trình duyệt thiết kế của các dự án cao tốc Bắc-Nam cũng đang chậm so với kế hoạch yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải là hoàn thành trước ngày 20/2. Về phản ánh nói trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải báo cáo.

[Dự án cao tốc Bắc-Nam: Dành ‘đất diễn’ cho nhà đầu tư trong nước]

Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam là công trình quan trọng quốc gia ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2017-2020, có ý nghĩa quyết định đến phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Dự án đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và được bố trí vốn với 11 dự án thành phần.

Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc Bắc-Nam sẽ tạo điều kiện để phát triển kinh tế theo hành lang Bắc-Nam nói riêng và cả nước nói chung, rút ngắn thời gian đi lại và chi phí thấp hơn các tuyến đường bộ khác, hiệu quả, tiện lợi, an toàn, từ đó sẽ góp phần phát triển du lịch, thương mại của các địa phương có tuyến đường đi qua; kết nối chặt chẽ các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế tăng trưởng cao, các vùng kinh tế trọng điểm với các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế, các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển với thời gian di chuyển hợp lý.

Tuyến cao tốc sẽ kết nối các tuyến quốc lộ, các đường địa phương và với các loại hình giao thông khác để hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn, hỗ trợ một số đoạn tuyến Quốc lộ 1 trong trường hợp thiên tai, sự cố, đảm bảo lưu thông Bắc-Nam thông suốt trong mọi điều kiện trong bối cảnh chưa thể đầu tư sớm đường sắt tốc độ cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục