Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông giải quyết 9 vấn đề tồn tại

Một trong 9 vấn đề Thủ tướng quan tâm liên quan đến công tác quản lý nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải, được Tổ công tác của Thủ tướng truyền đạt tại buổi kiểm tra Bộ này là việc nạo vét lòng sông.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông giải quyết 9 vấn đề tồn tại ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Một trong 9 vấn đề Thủ tướng quan tâm liên quan đến công tác quản lý nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải, được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ truyền đạt tại buổi kiểm tra Bộ này sáng 21/3 là việc nạo vét lòng sông, khơi thông luồng lạch.

Giao quyền tự chủ cho địa phương

Thủ tướng đề nghị Bộ không cấp phép nữa, dừng toàn bộ việc này, để xem xét giao cho địa phương quản lý, cấp phép. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc nạo vét cát lòng sông thời gian qua khiến nhiều địa phương phản ứng. Cấp phép nạo vét luồng nhưng địa phương không được biết nên có tình trạng bảo kê, xã hội đen đe dọa lãnh đạo tỉnh như vừa xảy ra ở Bắc Ninh, Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến. Hiện nay trên dòng sông, việc nạo vét theo luồng là trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải, quản lý tài nguyên là của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quản lý nước lại là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trên thực tế khi nạo vét luồng, các doanh nghiệp lợi dụng, không thực hiện đúng quy định để khai thác, nạo vét ngay sát bờ tạo dòng chảy, luồng lở. Nạo vét cát trái phép gây bức xúc, mất ổn định địa phương.

Báo cáo với Tổ công tác, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Hoàng Hồng Giang cho biết, Bộ quản lý 137 tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Nguyên tắc là ngân sách nhà nước đầu tư nạo vét luồng, nhưng, trên thực tế, do điều kiện ngân sách hạn chế nên Chính phủ có chỉ thị một năm chỉ bố trí 50 tỷ đồng cho công tác này để nạo vét 40km/7000km. Năm 2008, Chính phủ có Chỉ thị 29 khuyến khích nạo vét cho tận thu sản phẩm bù đắp chi phí. Từ năm 2008 -2015 có 66 dự án được cấp phép nạo vét và được tận thu sản phẩm. Tuy nhiên, do một số dự án triển khai chậm, phát sinh bất cập, một số hết hạn hợp đồng, không gia hạn, sau khi chấm dứt dự án sông Cầu, trên sông hiện tại còn 14 dự án của Bộ cấp, cùng với đó là 600 mỏ khai thác cát do địa phương cấp.

Ông Giang cho rằng công tác quản lý cấp phép phương tiện ra vào mỏ không chặt chẽ, bến bãi không phép ở địa phương là nơi thu hút trung chuyển cát lậu chiếm tỷ lệ cao. Ngành giao thông vận tải chỉ quản lý rộng nhất là 80m giữa sông và 25m mỗi bên hành lang, còn lại từ hành lang vào đến bờ là địa phương quản lý. Đây là kẽ hở, đối tượng lợi dụng việc quản lý chồng lấn giữa các bên để vi phạm.

Cũng theo ông Giang, trong quy trình cấp phép, thủ tục đầu tiên là phải có ý kiến đồng thuận. Ở dự án Bắc Ninh, ngày 22/9/2014, UBND Bắc Ninh có văn bản thống nhất với Bộ về chủ trương nạo vét. Ngày 26/9/2014, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang có văn bản đồng thuận. Ngày 1/10/2015, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh thu của nhà đầu tư 550 triệu đồng tiền cấp quỹ khai thác bảo vệ môi trường, ký quỹ bảo vệ đê điều. Bắc Giang thu 402 triệu đồng tiền thuế, ký quỹ bảo vệ đê điều.

Từ năm 2015, Cục Đường thủy nội địa đã gửi các quy chế phối hợp về quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, quản lý hoạt động nạo vét trên sông tới các địa phương để yêu cầu ký quy chế tăng cường quản lý nhưng đến nay mới ký được với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

Ngay khi chưa có chỉ đạo của Thủ tướng, Cục Đường thủy nội địa và Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất không cấp thêm bất cứ dự án nào, không gia hạn, không điều chỉnh tiến độ thi công của tất cả các dự án, kết thúc dự án càng sớm càng tốt. Ngày 14/3, sau quá trình kiểm tra giám sát của các lực lượng, phát hiện trong 14 dự án đang thi công có 9 dự án có tồn tại, bất cập, Cục đã tạm dừng tất cả các dự án này.

Làm rõ thêm, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, Cục đường thủy nội địa cấp phép khai thác theo hình thức tận thu sản phẩm để làm luồng. Đây là một trong những bất cập trong quản lý của địa phương, vì vậy, Thủ tướng có ý kiến liệu có nên giao địa phương chủ động cấp phép hay không.

“Bộ phối hợp địa phương để quản lý luồng, còn tận thu nên để địa phương căn cứ theo yêu cầu của mình. Địa phương mới quản được,” Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nêu.

Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng là các địa phương có ý phàn nàn, địa phương thiệt hại nhiều mà không được quyền lợi gì, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết, hoàn toàn ủng hộ đề xuất địa phương. Bộ đã chỉ đạo Cục đường thủy nội địa phải dừng hết và phải kiểm điểm đánh giá lại việc triển khai. Đối với những dự án cần tiếp tục nạo vét, phải tận thu để có nguồn nạo vét, nhưng phải thông qua địa phương, như vậy sẽ khả thi và sẽ quản lý được.

Bộ trưởng cho rằng địa phương nói đúng: “Chỗ nạo không nạo mà toàn nạo vào bờ. Tàu đứng một chỗ nhưng vòi chui tận đâu.” 

Riêng trường hợp vụ việc ở Bắc Ninh, Bộ trưởng Nghĩa khẳng định quan điểm qua vụ việc này, làm rõ có gì tiêu cực trong cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Cục Đường thủy nội địa và các tiêu cực khác.

“Qua đợt này, tôi rất mong muốn làm quyết liệt để chỉ ra một là cơ quan nhà nước, hai là xã hội đen trong hoạt động này,” người đứng đầu ngành giao thông vận tải nhấn mạnh.

Đồng ý với Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, nên phân cấp quản lý và giao quyền tự chủ cho địa phương trong việc cấp phép nạo vét, tận thu khoáng sản bởi lợi nhuận mang lại từ nguồn này rất lớn, gắn với quyền lợi, trách nhiệm của địa phương. Địa phương có thể làm tốt hơn nhiều. Khai thác cát trái phép gây mất ổn định địa phương và nếu quản lý không tốt sẽ gây thất thu cho Nhà nước.


“Bảo kê” cho xe quá tải rất lớn

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải có giải pháp giải quyết nhanh chóng tình trạng xe quá tải, quá khổ hoạt động trở lại sau khi dừng phối hợp liên ngành giữa Bộ Công an với Bộ Giao thông Vận tải. Thời gian đầu, công tác thanh tra, kiểm tra có sự phối hợp tốt giữa các bộ liên quan nhưng thời gian qua có sự buông lỏng do phối hợp giữa các cơ quan nhà nước thiếu chặt chẽ.

“Trạm cân trên các tuyến hầu như bỏ ngỏ. Có trường hợp lợi dụng thanh tra bảo kê cho xe quá tải… Hiện tại hạ tầng giao thông xuống cấp một phần do xe quá tải, quá khổ. Nếu không có sự hợp tác giữa công an và thanh tra giao thông, chắc không làm được. Đề nghị Bộ làm quyết liệt,” ông Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng.

Thừa nhận liên quan đến tình trạng xe quá tải, quá khổ có “việc bảo kê đằng sau rất lớn,” Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, công tác quản lý, phối hợp giữa các cơ quan đang có nhiều bất cập. Bộ Giao thông vận tải đang tiến hành kiểm tra, nhưng để xử lý triệt để, cần tiếp tục có sự phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải.

Trước đề nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc tiếp tục thực hiện phối hợp liên ngành trong kiểm soát tải trọng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, đây là kế hoạch phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải, hai Bộ nên ngồi lại với nhau để bàn.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý, muốn xử lý xe quá tải, quá khổ phải cắt cơ nới thùng xe. Đây là trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải. Theo Bộ trưởng, tình trạng xe cơi nới, xe “3 chân, 4 càng” chạy nườm nượp làm hỏng đường. Đây là vấn đề rất bức xúc, Bộ cần có giải pháp phối hợp với các địa phương để ra quân quyết liệt.

Các vấn đề liên quan đến tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn giao thông đường sắt đang có những diễn biến phức tạp; ùn tắc giao thông; xe dù, bến cóc; sân bay, sân ga; chất lượng công trình giao thông và dự án BOT, trạm thu phí... cũng được Thủ tướng yêu cầu Bộ có giải pháp thực hiện tốt hơn.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, từ tháng 1/2016 đến ngày 10/3/2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ 610 nhiệm vụ. Trong đó, Bộ đã hoàn thành 509 nhiệm vụ (trong hạn 488, quá hạn 21), 99 nhiệm vụ còn trong hạn, chưa hoàn thành và 2 nhiệm vụ đã quá hạn nhưng chưa hoàn thành.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá, số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho Bộ Giao thông Vận tải so với các bộ, ngành khác rất lớn. Tỷ lệ hoàn thành là khá cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục