Thủ tướng yêu cầu địa phương tuyệt đối không chủ quan trước COVID-19

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh ngành Y tế Đà Nẵng đã thực hiện giãn cách xã hội triệt để như tinh thần Chỉ thị 16 để giảm mức độ giao lưu, đi lại tại các ổ dịch đã được phát hiện.
Thủ tướng yêu cầu địa phương tuyệt đối không chủ quan trước COVID-19 ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 29/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19, trong bối cảnh Đà Nẵng vừa xuất hiện thêm các ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Ưu tiên tối đa dập ổ dịch tại Đà Nẵng

Báo cáo tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tính đến sáng 29/7 đã ghi nhận 30 trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến ổ dịch ở Đà Nẵng, trong đó có 27 trường hợp tại Đà Nẵng; 2 trường hợp tại Quảng Nam; 1 trường hợp tại Quảng Ngãi. Dự kiến, chiều nay sẽ công bố thêm 4 trường hợp mắc COVID-19 tại một số tỉnh, thành phố lớn. 

Đánh giá tình hình dịch bệnh Đà Nẵng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý phần lớn các trường hợp nhiễm có liên quan đến khu vực của 3 bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng. Các khu vực này hiện đều đã được phong tỏa.

Xác định ổ dịch không chỉ trong bệnh viện mà có thể bao gồm khu vực lân cận bên ngoài, ông Nguyễn Thanh Long cho rằng vấn đề đáng quan tâm hiện nay là có 3 trường hợp chưa tìm thấy nguồn gốc lây nhiễm (trường hợp lây nhiễm cộng đồng thuộc quận Hải Châu và quận Sơn Trà của thành phố Đà Nẵng) dù đã tiến hành điều tra kỹ.

Đối với các địa phương khác, hiện nay mới chỉ phát hiện khả năng cao xâm nhập từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk và Đắk Nông. Do đó, ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh hiện nay ưu tiên tối đa được dành cho công tác dập dịch tại ổ dịch Đà Nẵng.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý: "Việc dập dịch tại Đà Nẵng hết sức quan trọng, quyết định thành công vấn đề kiểm soát lây nhiễm cộng đồng. Vì vậy, Đà Nẵng cần phải chạy đua với thời gian và triển khai nhanh tất cả các biện pháp cần thiết."

Lưu ý tầm quan trọng trong vấn đề xét nghiệm tại Đà Nẵng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết hiện khả năng xét nghiệm của Đà Nẵng đạt trung bình trên 1.000 mẫu và có thể xử lý tối đa 2.000 mẫu/ngày. Dưới sự hỗ trợ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Đà Nẵng đặt mục tiêu xét nghiệm từ 5.000 đến 7.000 mẫu xét nghiệm/ngày.

Bộ Y tế cử đội ngũ chuyên gia từ Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng, đồng thời thiết lập một phòng xét nghiệm tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Trong khi đó, Viện Pasteur Hồ Chí Minh hỗ trợ CDC Đà Nẵng, thiết lập phòng xét nghiệm tại Bệnh viện 199 Bộ Công An.

Dự kiến, ngày 30/7, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga sẽ đến Đà Nẵng hỗ trợ với việc thành lập một phòng thí nghiệm di động và Học viện Quân y hỗ trợ Bộ Tư lệnh Quân khu 5 xét nghiệm.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã giao trường Đại học Y Hà Nội hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (tỉnh Quảng Nam) để có thể đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm tại đây.

Liên quan đến việc điều chỉnh các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bộ Y tế yêu cầu chuyển tất cả các bệnh nhân mắc COVID-19 tại Đà Nẵng về Bệnh viện Trung ương Huế điều trị.

Đối với tất cả địa phương trên cả nước, ông Nguyễn Thanh Long đề nghị tiếp tục tăng cường năng lực; khả năng xét nghiệm để đảm bảo cho công tác phát hiện, khoanh vùng, dập dịch và điều trị.

Thủ tướng yêu cầu địa phương tuyệt đối không chủ quan trước COVID-19 ảnh 2Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu Hà Nội(Ảnh: TTXVN)

Nâng cao tinh thần cảnh giác

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dịch COVID-19 lần này đã khác so với lần trước do dịch đã lây ra cộng đồng nhiều ngày; chưa tìm được ca F0…. Do đó, tình hình đang trở nên phức tạp và diễn biến nhanh trong thời gian ngắn.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nêu cao trách nhiệm trước nhân dân; không được để vỡ trận, không chủ quan."

Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan cùng các địa phương vào cuộc mạnh mẽ, tuyên truyền về dịch bệnh đầy đủ và bằng nhiều hình thức để đề cao cảnh giác.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu việc thực hiện nghiêm túc Công điện của Thường trực Ban Bí thư; Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh ngành Y tế Đà Nẵng đã thực hiện giãn cách xã hội triệt để như tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly xã hội cùng nhiều biện pháp nhân rộng để giảm mức độ giao lưu, đi lại tại các ổ dịch đã được phát hiện.

Nhấn mạnh các địa phương đều có nguy cơ cao và phải nâng cao tinh thần cảnh giác, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động tinh thần cảnh giác của người dân nhằm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Cùng với cảnh giác, Thủ tướng đề nghị ngành Y tế, ngành Tài chính các địa phương cần đảm bảo năng lực cho hệ thống y tế, công an, quân đội ở các địa phương trên tinh thần “hỏi đâu có đó”. Thủ tướng yêu cầu các đơn vị quân đội, đặc biệt Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cần tổ chức cách ly cho người dân Đà Nẵng tốt nhất.

Chú trọng nâng cao năng lực xét nghiệm, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tăng cường phương tiện, cán bộ cho Đà Nẵng và các địa phương khác khi có yêu cầu; tăng cường xét nghiệm cá nhân tiếp xúc với các bệnh nhân, các vị trí có ổ dịch.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án tăng cường vị trí điều trị ở các tuyến bệnh viện trung ương, bệnh viện quân đội, các cơ sở điều trị ở Huế, Quảng Nam để xử lý tình hình khi có nhiều bệnh nhân có bệnh nền nặng ở Đà Nẵng hiện nay.

Các trường hợp cần thiết cần tăng cường xét nghiệm kịp thời hơn; ra lời kêu gọi phù hợp với người bị ho, sốt trong phạm vi cả nước nhằm ngăn ngừa dịch bệnh chủ động hơn.

Liên quan đến xét nghiệm, Thủ tướng đồng ý giao nhiệm vụ cho cơ sở y tế tư nhân ở Trung ương và địa phương, trong đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân có quyền chỉ định.

Theo đó, tùy điều kiện hoàn cảnh cụ thể, Thủ tướng nhất trí việc các địa phương được áp dụng Chỉ thị 19/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg khi phát hiện ổ dịch. Đà Nẵng tiếp tục thực hiện triệt để Chỉ thị 16/CT-TTg trên phạm vi toàn thành phố.

Thủ tướng nêu rõ: "Không được ngăn sông cấm chợ nhưng có biện pháp cần thiết ngăn chặn dòng người rất đông đã đi đến các địa phương khác từ thành phố Đà Nẵng."

Thủ tướng đề nghị từng địa phương có kinh bản ứng phó như giai đoạn đầu phòng chống dịch bệnh; trong đó có một số biện pháp cần khuyến cáo nhân dân như hạn chế đi lại; đeo khẩu trang nơi tập trung đông người và trên các phương tiện giao thông công cộng; rửa tay bằng xà phòng; vệ sinh sát khuẩn nơi ở và làm việc…

Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý tốt biên giới; khởi tố, điều tra các vụ vi phạm quản lý biên giới, đặc biệt Bộ Quốc phòng tăng cường quản lý tốt các trung tâm cách ly.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ, những nơi có dịch bệnh không được tổ chức lễ hội lớn, hạn chế tụ tập đông người… để khống chế tốc độ lây nhiễm ở địa phương có ca lây nhiễm.

Đối với người có triệu chứng, tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, Bộ Y tế cần có phương án theo dõi chặt chẽ hơn. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương bảo đảm kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2020 an toàn.

Các địa phương tổ chức quản lý dân cư, đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo bình ổn giá và hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, không có tình trạng lộn xộn xảy ra trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị, không chỉ Đà Nẵng, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên-Huế, Hà Nội mà tất cả các thành phố lớn, nhất là các thành phố du lịch ven biển có biện pháp chủ động, quán triệt không để lây nhiễm trong cộng đồng.

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh Bộ Y tế đã huy động các lực lượng để hỗ trợ các địa phương truy vết, xét nghiệm, phòng, chống dịch COVID-19./.

Thủ tướng yêu cầu địa phương tuyệt đối không chủ quan trước COVID-19 ảnh 3Lãnh đạo Đà Nẵng báo cáo tình hình dịch bệnh.(Ảnh: TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục