Ngày 2/3, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế Trần Kiêm Hảo cho biết những ngày qua đơn vị đã phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra tình hình kinh doanh các mặt hàng thuốc, thiết bị y tế trên địa bàn nhằm bình ổn giá, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được các sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn.
Qua kiểm tra đã phát hiện và xử phạt chủ một số quầy thuốc có bán sản phẩm thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Lãnh đạo Sở Y tế khẳng định trên địa bàn, các mặt hàng thuốc, thiết bị y tế như bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, máy đo nồng độ bão hòa oxy trong máu SpO2, khẩu trang... không bị khan hiếm như nhiều người lo ngại đồng thời giá cả bình ổn. Các cơ sở kinh doanh, nhà thuốc, quầy thuốc không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán.
Tính đến giữa tháng 1/2022, tỉnh Thừa Thiên-Huế có khoảng 200 cơ sở kinh doanh đăng ký bán thuốc điều trị COVID-19 tại nhà. Ghi nhận tại các quầy thuốc, nhà thuốc trên đường Ngô Quyền (thành phố Huế), lượt người đến mua tăng cao từ sau những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần và khi học sinh địa phương đi học trở lại.
Các mặt hàng được mua nhiều nhất là sinh phẩm xét nghiệm, máy đo nồng độ bão hòa oxy trong máu SpO2, dung dịch nước muối sinh lý, thuốc hạ sốt, thuốc ho, vitamin C…
[Đưa vào hoạt động trung tâm điều trị COVID-19 trung ương Huế]
Bà Hồ Thị Tý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thương mại Dược phẩm Mạnh Tý-Việt Mỹ (Thừa Thiên-Huế) cho hay mặc dù việc nhập sinh phẩm xét nghiệm có khó khăn hơn trước nhưng đơn vị vẫn cam kết bán cho người tiêu dùng với giá không thay đổi. Các loại sinh phẩm xuất xứ Singapore, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ giá bán dao động 65.000-75.000 đồng/bộ.
Ngoài ra, hệ thống các quầy thuốc Mạnh Tý đều đảm bảo đủ các loại thuốc phục vụ việc điều trị COVID-19 tại nhà cho người dân.
Trước những thông tin các loại thuốc kháng virus mà Bộ Y tế cấp phép sử dụng trong điều trị COVID-19 đang được bán với giá “cắt cổ,” người dân Thừa Thiên-Huế có thể an tâm mua được thuốc đảm bảo xuất xứ, chất lượng với giá vài trăm ngàn đồng tại các quầy thuốc.
Có mặt tại nhà thuốc Long Châu (phường Phú Nhuận, thành phố Huế) sáng 2/3, chị Lê Thị Thu Hằng (thành phố Huế) chia sẻ, chỉ cần có giấy chỉ định sử dụng thuốc của bác sỹ, chị dễ dàng mua được 1 hộp thuốc Molnupiravir 400mg cho người nhà F0 với giá 250.000 đồng. Các dược sỹ tại đây đã giới thiệu rất tận tình, kỹ càng và chuẩn bị giấy hướng dẫn sử dụng thuốc cho chị.
Trái với tâm lý lo lắng trữ hàng như những đợt dịch trước, nhiều người dân Thừa Thiên-Huế lần này “tỉnh táo” hơn khi xác định chỉ mua khi cần thiết. Bà Trần Thị Ngọc (thành phố Huế) cho biết một số loại thuốc bà mua trong những lần trước vẫn chưa được sử dụng đến nay đã hết hạn. Vì vậy, lần này bà chỉ mua vừa đủ số thuốc để dùng trong gia đình khi cần. Nhìn chung, các quầy thuốc đều bán không thiếu thứ gì, giá cả cũng không thay đổi nhiều so với thường ngày.
Trước đó, nhằm tránh hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có văn bản yêu cầu Công an tỉnh, Sở Công thương, Sở Y tế và Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Theo văn vản, các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán; kiểm tra, ngăn chặn các đơn vị thu mua, đầu cơ trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 để trục lợi, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm./.