“Trang trại đến Bàn ăn,” trên thực tế là mối liên kết giữa người dân và thực phẩm, một phong trào xã hội đã lan rộng nhanh chóng ở nước Mỹ đầu những năm 2000.
Phong trào này cổ vũ cho thói quen sử dụng thực phẩm địa phương tại các nhà hàng, gia đình và những quán ăn tự phục vụ ở trường học, theo đó ưu tiên việc bán và dùng nông sản sạch giữa người nông dân với khách tiêu dùng.
Bài 1: Vì sao “Trang trại đến Bàn ăn” quan trọng với người Mỹ?
Quy trình từ nông trại đến bàn ăn được thực hiện thông qua mối quan hệ mua bán trực tiếp với các mô hình trang trại cộng đồng, sản xuất nông nghiệp bền vững, các phiên chợ nông dân. Tại đó, người tiêu dùng được hưởng những nông sản tươi ngon, và quan trọng hơn cả: Họ biết rõ ai là người chịu trách nhiệm về thực phẩm này.
[“Trang trại tới Bàn ăn” góp phần tăng trưởng nền kinh tế]
Ngày nay, những con đường cao tốc cứ nối nhau ra rời khiến ở bất kỳ đâu bạn cũng có thể mua được đủ loại thực phẩm trên khắp đất nước, thậm chí là của thế giới. Những đường bay dày đặc thu hẹp dần mọi khoảng cách, nhưng cũng đang xóa đi khái niệm về người nông dân địa phương và những vụ mùa đang độ chín.
Bản thân người lớn cũng phải tự hỏi, chúng ta đang tự tách rời khỏi những nông trại mà thực phẩm của chúng ta được sản xuất từ đó. Chúng ta hiếm bao giờ gặp được một người nông dân, hoặc thậm chí, nhìn thấy một trang trại.
Tại sao chúng ta lại đánh mất mối liên hệ với thực phẩm của mình? Giờ đây, thức ăn nằm trong các loại hộp kín, được chằng gói bằng đủ thứ dây thun. Hiếm khi bạn được thưởng thức một đồ ăn tươi nguyên, còn đủ các thành phần tự nhiên. Chúng ta có thể đang có một ý niệm sai lầm về cách thực phẩm được nuôi trồng như thế nào, hoặc những nông sản gì là tốt nhất cho sức khỏe.
[NOPA và 8 lợi ích từ nhà hàng mô hình “Trang trại đến Bàn ăn”]
Phóng viên TTXVN đã có chuyến ghé thăm khu chợ nông dân Ferry Plaza, bên bến tàu Embarcadero cổ kính, nằm sát bờ Vịnh San Francisco lộng gió ở Bắc California để tìm hiểu cách thức người Mỹ giải bài toán “thực phẩm sạch,” kích thích tiêu dùng nông sản “cây nhà lá vườn” và hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững.
Ferry Plaza là khu chợ do Trung tâm giáo dục đô thị về nông nghiệp bền vững (CUESA) chịu trách nhiệm vận hành. Chợ mở cửa quanh năm, vào 3 ngày/tuần (thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy).
Ferry Plaza tập trung khách hàng đông nhất vào ngày thứ Bảy, khi có trung bình khoảng 30.000 khách tiêu dùng, chủ nhà hàng, người bán là các nông dân hay nhà sản xuất đổ về đây với cơ man hàng nông sản, từ rau, thịt, cá, bánh mì, giăm bông, pho mát…
[Trang trại cộng đồng giúp người Mỹ giải bài toán thực phẩm sạch]
Nhiệm vụ của CUESA là phát triển hệ thống nông nghiệp bền vững, trong đó ưu tiên cơ hội cho các nông dân địa phương sử dụng các phương pháp canh tác XANH, những người buôn thực phẩm sơ chế có nguồn gốc từ các nông dân này. Không chỉ có vậy, trong ngày thứ Bảy, CUESA còn tổ chức miễn phí những buổi đào tạo, hướng dẫn nấu ăn kiểu mẫu cho sức khỏe, giáo dục phương pháp lựa chọn thức ăn bổ dưỡng ngay trong khu chợ này./.
[Chân dung người nông dân Mỹ gốc Việt bên bờ sông Mississippi]
Hình ảnh về một khu chợ nông dân tại thủ đô Washington: