Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết thời gian gần đây, Việt Nam đã đấu thầu mua thuốc ARV thành công có giá rẻ hơn từ 15-17% so với thuốc cùng loại đang sử dụng hiện nay.
Chủ động cung ứng thuốc ARV
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế giai đoạn từ năm 2015 trở về trước, nguồn thuốc ARV cấp cho bệnh nhân HIV/AIDS của Việt Nam hầu hết là nguồn thuốc viện trợ từ các tổ chức quốc tế, bao gồm các nguồn của Chương trình viện trợ khẩn cấp của tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR), Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét và một phần từ Quỹ Bill Clinton.
Do các nhà tài trợ này hỗ trợ thuốc ARV cho nhiều quốc gia trên thế giới với số lượng lớn nên để giảm giá thành của thuốc và đảm bảo chất lượng thuốc giống nhau cho các quốc gia, các dự án thường mua sắm tập trung cho toàn cầu sau đó chuyển thuốc đến cho quốc gia thụ hưởng dự án. Với quy luật chung, việc mua sắm thuốc tập trung cho các nước sẽ làm giảm giá thành và do đó sẽ có thuốc rẻ hơn. Nhờ vậy, nhiều bệnh nhân được tiếp cận với thuốc ARV viện trợ hơn.
[Bộ Y tế đề xuất quyền lợi bảo hiểm y tế của người có HIV]
Tuy nhiên, kể từ năm 2015, nguồn thuốc viện trợ bị cắt giảm dần, để đảm bảo nguồn thuốc ARV tiếp tục cấp cho bệnh nhân AIDS, Chính phủ đã giao Bộ Y tế mua sắm một phần thuốc ARV từ nguồn ngân sách trong nước để bù đắp khoản thuốc bị cắt giảm.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, thương thảo đã đấu thầu mua sắm thuốc trên nguyên tắc lựa chọn mua thuốc ARV đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có chất lượng tương đương thuốc viện trợ.
Năm 2016, lần đầu đấu thầu thuốc ARV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã mua hơn 6.400.000 thuốc 3 trong 1 (3 loại thuốc trong 1 viên) với giá trúng thầu là 7.299 đồng/viên (đã bao gồm VAT 5%). So sánh giá đấu thầu cùng loại thuốc trên với giá mua tập trung của Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS lao và Sốt rét thì giá thuốc Việt Nam mua rẻ hơn 16,6% (giá của Quỹ Toàn cầu mua là 0,3681 USD/viên thuốc).
Nếu so sánh với giá thuốc do Chương trình viện trợ khẩn cấp của tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) mua cấp về thì giá thuốc Việt Nam mua rẻ hơn 17,8% (giá của PEPFAR mua là 0,3728 USD/viên thuốc).
Đợt mua sắm thứ hai là năm 2017, Việt Nam tiếp tục đấu thầu hơn 3 triệu viên thuốc 3 trong 1 với giá trúng thầu là tương đương 0,268 USD/viên. So sánh giá trên với giá thuốc cùng loại của Chương trình viện trợ khẩn cấp của tổng thống Hoa Kỳ, thuốc Việt Nam mua rẻ hơn 3,63 % và rẻ hơn thuốc Quỹ Toàn cầu mua 1,33%. Như vậy, giá thuốc ARV ngày càng rẻ hơn. Năm 2017 giá thuốc tiếp tục hạ hơn 15% so với giá mua năm 2016.
Việc mua sắm thành công thuốc ARV là một bước tiến quan trọng để Việt Nam chủ động cung ứng thuốc ARV thay thế nguồn viện trợ quốc tế, đảm bảo tính bền vững của chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Hơn 130.000 bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc ARV
Cục Phòng, chống HIV/AIDS khẳng định với mục tiêu 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV thì hàng năm nhu cầu cũng như kinh phí để mua thuốc ARV ở Việt Nam là rất lớn. Thuốc kháng virus (ARV) là hết sức quan trọng trong điều trị cho người nhiễm HIV. Thuốc không chỉ giúp cho người nhiễm HIV sống khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội mà còn giúp giảm lây truyền HIV sang người khác.
Hiện tại, Việt Nam có hơn 130.000 bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc ARV. Như vậy, việc người bệnh phải sử dụng thuốc hàng ngày, lâu dài sẽ dẫn đến nhu cầu cũng như kinh phí bỏ ra mua thuốc là rất lớn.
Tiến sỹ Kato Masaya, Chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là điểm sáng trong khu vực về điều trị bằng thuốc ARV; đặc biệt là việc tiên phong trong thực hiện các khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới về phác đồ điều trị và tiếp cận phổ cập để người nhiễm HIV dễ dàng tiếp cận thuốc ARV.
Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, với việc số người được tiếp cận với thuốc ARV tăng nhanh, hiệu quả điều trị tại Việt Nam trong 10 năm qua đã giúp khoảng 150.000 người nhiễm HIV thoát khỏi tử vong và dự phòng cho khoảng 450.000 người không nhiễm HIV./.