Thương mại giữa EU và Triều Tiên giảm mạnh do lệnh trừng phạt

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), giá trị thương mại trong năm 2017 giữa EU và Triều Tiên ở mức gần 18 triệu euro, giảm gần 27% so với mức hơn 24 triệu euro trong năm 2016.
Thương mại giữa EU và Triều Tiên giảm mạnh do lệnh trừng phạt ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm một nhà máy sản xuất bánh quy. (Nguồn: Reuters)

Hoạt động giao thương của Liên minh châu Âu (EU) với Triều Tiên trong năm 2017 đã sụt giảm mạnh do tác động của các lệnh trừng phạt đối với chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), giá trị thương mại trong năm 2017 giữa EU và Triều Tiên ở mức gần 18 triệu euro, giảm gần 27% so với mức hơn 24 triệu euro trong năm 2016.

EU đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá gần 13 triệu euro sang Triều Tiên và nhập khẩu hơn 5 triệu euro từ nước này, giảm tương ứng 32% và trên 9% so với năm trước đó.

Trong số các nước thành viên EU, Đức là nước xuất khẩu lớn nhất sang Triều Tiên với gần 4 triệu euro. Tiếp theo là Đan Mạch (với xấp xỉ 2 triệu euro) và Pháp (gần 1,8 triệu euro).

Trong lúc Hà Lan là nước nhập khẩu lớn nhất của Triều Tiên, với hơn 2 triệu euro, tiếp theo là Áo (với 824.000 euro) và Tây Ban Nha (458.000 euro).

[Hội đồng Liên minh châu Âu siết chặt trừng phạt Triều Tiên]

Trước đó, Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) đã tăng cường các biện pháp hạn chế nhằm vào Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, bằng cách hoàn tất việc chuyển các biện pháp được áp đặt theo nghị quyết 2397 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thành luật EU.

Nghị quyết trên cấm gần 90% các chế phẩm dầu mỏ xuất khẩu sang Triều Tiên bằng việc đặt ra một mức trần 500.000 thùng/năm, đồng thời yêu cầu cho hồi hương các lao động Triều Tiên ở nước ngoài trong vòng 12 tháng.

Giới phân tích cho rằng các biện pháp trừng phạt đó sẽ tác động mạnh tới ngành công nghiệp Triều Tiên, trong lúc việc buộc hồi hương lao động Triều Tiên ở nước ngoài sẽ cắt đứt nguồn ngoại tệ có ý nghĩa rất quan trọng với nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.