Thưởng thức ẩm thực Việt Nam trên du thuyền sông Seine

Hội hữu nghị Pháp-Việt Le Liseron và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đã tổ chức buổi giới thiệu các món ăn của Việt Nam tại du thuyền trên sông Seine.
Thưởng thức ẩm thực Việt Nam trên du thuyền sông Seine ảnh 1Ba đầu bếp Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng và Chủ tịch Hội Rau muống Bernard Biron. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Ngày 25/4, Hội hữu nghị Pháp-Việt Le Liseron và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đã tổ chức buổi giới thiệu các món ăn dân tộc của Việt Nam tới khoảng 200 bạn bè Pháp yêu mến Việt Nam tại du thuyền trên sông Seine.

Buổi gặp gỡ là dịp để khám phá và tôn vinh văn hóa ẩm thực Việt Nam đồng thời cũng là một hoạt động chào mừng Năm giao lưu Việt Nam tại Pháp 2014.

Ba đầu bếp nổi tiếng của Việt Nam là Nguyễn Văn Tú, Trương Thị Định, Võ Đình Quốc, đến từ Hà Nội, Huế, và thành phố Hồ Chí Minh đã chế biến khoảng 30 món ăn mang hương vị đặc sắc của ba miền Bắc, Trung, Nam như nem, gỏi cuốn, bún chả, thịt gà rút xương, bánh bèo, bánh phu thê…

Các bạn Pháp đã vô cùng thích thú khi được thưởng thức các món ăn Việt Nam mà theo họ đã kết hợp các hương vị một cách hài hòa và tinh tế, và được ngắm cảnh hoàng hôn buông xuống dòng sông Seine thanh bình.

Phát biểu nhân dịp này, ông Bernard Biron, Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp-Việt Le Liseron cho rằng giới thiệu những nét đặc sắc của ẩm thực là một cách hiệu quả để giới thiệu văn hóa Việt Nam với thế giới.

Ông cũng khẳng định rằng tình đoàn kết và hữu nghị giữa hai nước Pháp và Việt Nam là nền tảng cho các hoạt động của Hội, rằng các hội viên muốn được cùng chia sẻ niềm vui và khó khăn trong cuộc sống với người dân Việt Nam. Đó chính là lý do giải thích các hoạt động giúp đỡ và hỗ trợ trong suốt 15 năm qua của Hội đối với Việt Nam.

Về phía mình, đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng đã hoan nghênh sáng kiến tổ chức buổi giới thiệu nghệ thuật ẩm thực Việt Nam trên du thuyền trên sông Seine.

Đại sứ cũng cảm ơn Hội Le Liseron và các thành viên về những tình cảm quý mến dành cho nhân dân Việt Nam thông qua các việc làm thiết thực như cung cấp thiết bị y tế cho một số bệnh viện vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và học nghề, xây nhà cho người nghèo, cấp học bổng cho học sinh nghèo…

Nhân dịp này, đầu bếp Nguyễn Văn Tú của nhà hàng Don’s Tây Hồ, người từng được trao danh hiệu "Siêu đầu bếp" của Việt Nam và Thái Lan đã bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi được đem tinh hoa văn hóa dân tộc giới thiệu với bạn bè thế giới, đặc biệt là tại Pháp, đất nước mà nghệ thuật ẩm thực đã trở thành di sản của nhân loại.

Anh cho biết trong các món ăn do anh chế biến dù là món ăn Âu hay Á luôn có hương vị Việt Nam trong đó vì đó là nguồn cội của mình. Anh cũng bày tỏ niềm vinh hạnh khi được cùng chuẩn bị các món ăn cho bữa tiệc trên du thuyền với hai đầu bếp bậc thầy của Pháp, được họ chia sẻ các kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực ẩm thực.

Hội hữu nghị Pháp-Việt Le Liseron (dịch nghĩa tiếng Việt là Hội Rau muống) được hai ông Jean-Marie Pognon và Bernard Biron là những người Pháp có tấm lòng nhân ái, đồng sáng lập năm 1999 nhằm huy động và kêu gọi sự trợ giúp của bạn bè Pháp, gây quỹ từ thiện để ủng hộ người dân Việt Nam.

Trong 15 năm qua, Hội đã vận động và tài trợ trên 100.000 euro về Việt Nam, giúp hỗ trợ cho người dân nghèo tại nhiều vùng miền ở Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều thành viên của Hội cũng nhận các em học sinh Việt Nam làm con đỡ đầu nhằm cung cấp tài chính để các em được học tập và học nghề, đảm bảo cuộc sống ổn định về lâu dài.

Ông Jean-Marie Pognon, một trong hai thành viên sáng lập là người Pháp nhưng mang trong mình hai dòng máu Ấn Độ và Việt Nam, đã sống những năm tháng tuổi thơ khó khăn tại vùng đất Nha Trang của Việt Nam trước khi về Pháp năm 1975.

Để ghi nhớ và thể hiện cách gắn bó với cội nguồn, ông đã thành lập Hội Le Liseron đặt cái tên giản dị, mộc mạc là "Hội Rau muống." Kể từ khi thành lập Hội, ông đã dành toàn bộ tâm huyết và sức lực cho các hoạt động từ thiện hỗ trợ Việt Nam như là một cách thiết thực để đóng góp xây dựng quê hương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bánh dầy Quán Gánh

Bánh dầy Quán Gánh

Làng nghề bánh dầy Quán Gánh tại thôn Thượng Đình, xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội, có từ lâu đời được người dân nhiều đời gìn giữ. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)