Tiến tới lập trung tâm ghép tạng trẻ em ở Thành phố Hồ Chí Minh

Trong 10 năm qua, các bác sỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành thành công 20 trường hợp ghép gan, thận từ người cho sống cùng huyết thống.
Tiến tới lập trung tâm ghép tạng trẻ em ở Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 1Các bác sỹ tiến hành một ca phẫu thuật phức tạp. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 5/9, tiến sỹ Hà Mạnh Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 khẳng định với những thành công trong công tác ghép tạng trẻ em ở Thành phố Hồ Chí Minh những năm qua là tiền đề để tiến tới thành lập trung tâm ghép tạng trẻ em tại thành phố.

Tại buổi Lễ kỷ niệm 10 năm ghép tạng của Bệnh viện Nhi đồng 2 diễn ra sáng nay tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tuấn cho hay, trong 10 năm qua, kể từ ca ghép gan đầu tiên thực hiện trên trẻ em ở phía Nam, đến nay các bác sỹ của bệnh viện đã tiến hành ghép được 20 trường hợp ghép gan, thận từ người cho sống cùng huyết thống. Trong tổng số trên có 8 ca ghép gan và 12 ca ghép thận.

Chia sẻ về sức khỏe của mình sau khi được ghép tạng, Phạm Quỳnh Giao - bệnh nhân 14 tuổi ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trước kia em bị suy thận giai đoạn cuối. Khi đó, sức khỏe của em rất yếu, Giao chỉ có thể nằm và đi lại nhẹ nhàng và phải đi chạy thận.

“Như một phép nhiệm màu, năm 2011 em được các bác sỹ tiến hành ghép thận. Sau ca ghép thành công, sáu tháng sau em đã trở lại hoạt động và đi học bình thường, có thể vận động mạnh hơn như các bạn cùng trang lứa khác và không phải đi chạy thận như trước nữa,” Giao tâm sự.

Theo tiến sỹ Tuấn, trước những nhu cầu thực tiễn về ghép tạng trên trẻ em tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã triển khai chương trình ghép tạng trẻ em từ người cho sống vào năm 2004.

Thành quả ghép tạng trẻ em thành công những năm qua cho thấy ngành y tế của Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và Bệnh viện Nhi đồng 2 nói riêng có đủ khả năng tiếp nhận và phát triển các kỹ thuật y tế chuyên sâu ngang tầm khu vực.

Phát biểu tại buổi lễ, phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định, trong những năm qua, với 20 ca ghép tạng thành công tại bệnh viện là kết quả rất đáng khích lệ trong điều kiện ngành ghép tạng ở trẻ em Việt Nam còn nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, vấn đề nguồn cho tạng và kinh phí là những thách thức lớn nhất hiện nay.

Đặc biệt, bên cạnh những thành tựu về ghép tạng, trong những năm qua cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ghép tạng ở trẻ em Việt Nam đã được hoàn thiện, đội ngũ nhân viên y tế có nhiều kinh nghiệm hơn để thực hiện các kỹ thuật khó và chuyên sâu.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ghép tạng, ghép thận và ghép gan hiện nay đã được công nhận như là một phương thức điều trị chọn lọc cho trẻ em bị suy thận hoặc suy gan vào giai đoạn cuối.

Tại Việt Nam, ca ghép gan trên trẻ em đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Quân Y 103 vào năm 2003, sau đó ca ghép thận đầu tiên trên trẻ em được tiến hành vào tháng 5/2004.

Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện ca ghép thận đầu tiên vào tháng 6/2004 và ca ghép gan đầu tiên vào tháng 12/2005 với sự hỗ trợ của êkíp chuyên gia đến từ Vương quốc Bỉ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục