Tiếp cận quản lý kinh tế đất đai theo tiêu chuẩn quốc tế

Thời gian gần đây, công tác quản lý đất đai ngày càng được quan tâm, cơ chế hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai đang được hoàn chỉnh để tiếp cận với cách thức quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tiếp cận quản lý kinh tế đất đai theo tiêu chuẩn quốc tế ảnh 1Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Ngày 13/7, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội nghị “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về kinh tế đất đai.”

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết thời gian gần đây, công tác quản lý đất đai ngày càng được quan tâm, cơ chế hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai đang được hoàn chỉnh để tiếp cận với cách thức quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế.

Vấn đề đưa kinh tế đất đai phù hợp với thị trường là yêu cầu cấp thiết hiện nay, do vậy cần phải xem xét giá trị tổng thể về đất đai, các phương án chính sách và quản lý cho Việt Nam nhằm khuyến khích sử dụng đất có hiệu quả, hiệu suất cao cả về kinh tế-xã hội, môi trường và sửa đổi Luật Đất đai.

Các đại biểu, chuyên gia đến từ các bộ, ngành, Sở Tài nguyên và Môi trường, Viện nghiên cứu và các chuyên gia quốc tế về lĩnh vực đất đai như Pháp, Nhật Bản... đã tham luận xoay quanh các vấn đề chính như định giá và hình thành giá đất kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về định giá đất và điều tiết giá trị tăng thêm từ đất; kinh tế học đất đai - những vấn đề cốt lõi và nội dụng phục vụ sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai; Cơ sở kinh tế của chính sách đất đai; Vấn đề quản lý đất công và giá đất... nhằm cải cách thực chất hệ thống tài chính đất đai, tạo cơ hội cho phát triển đất nước.

[Bộ Tài nguyên đề xuất giải pháp khắc phục 'điểm vênh' của Luật Đất đai]

Giáo sư-tiến sỹ khoa học, chuyên gia Ngân hàng Thế giới Đặng Hùng Võ cho rằng tại tất cả các nước có nền kinh tế chuyển đổi, trong đó có Việt Nam đều tận dụng chưa hiệu quả nguồn lực từ đất công mặc dù cơ hội còn rất lớn.

Hiện thuế đất còn thấp, giá trị đất công bị thất thoát dưới nhiều hình thức khác nhau mà chủ yếu gắn với rủi ro tham nhũng. Đồng thời, việc giao đất công có thu tiền hoặc cho thuê đất công trả tiền một lần ở Việt Nam đang chiếm tới 85% nguồn thu từ đất. Trong đó, tiền sử dụng đất và tiền thuê đất được xác định chỉ bằng khoảng 30% giá trị thị trường, điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngân sách địa phương.

Trên thực tế, so với các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, duy nhất có Đà Nẵng là thành phố phát triển kinh tế chỉ lấy vốn từ đất bởi Đà Nẵng đã thực hiện thành công giải pháp thu hồi cả đất kề bên hạ tầng, qua đó quy hoạch và thực hiện đấu giá đất để thu hồi lại chi phí đã đầu tư hạ tầng. Do vậy, thời gian tới, việc sửa đổi Luật Đất đai cần đặt nhiệm vụ cải cách thực chất hệ thống tài chính đất đai, vượt qua mọi thách thức, rào cản về tư duy nhằm tạo cơ hội cho phát triển đất nước.

Ông Yamashita Masayuki, Chủ tịch Hội đồng tiêu chuẩn thẩm định, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thẩm định giá Bất động sản Nhật Bản, cho biết điều cơ bản và quan trọng nhất trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế đất đai là nắm bắt chính xác xu hướng giá đất, thu thập đầy đủ thông tin liên quan đến đất đai để làm rõ nguyên nhân biến động giá đất.

Chính vì vậy, cần cải thiện hệ thống khung giá đất và bảng giá đất. Cụ thể là nên định giá đất phù hợp theo thị trường, đồng thời có biện pháp để điều chỉnh mức gánh chịu chi phí sử dụng đất (tăng mức gánh chịu trong phạm vi biến động giá cả thông thường).

Bên cạnh đó, các đại biểu và các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng tham gia đề xuất giải pháp cụ thể như bổ sung quy định về Khung giá thuê đất và bảng giá thuê đất vào Luật Đất đai và Nghị định của Chính phủ quy định về giá đất; thành lập Hội đồng thẩm định định giá đất cấp Quốc gia; nghiên cứu sâu về kinh tế đất để làm cơ sở đưa ra cơ chế điều tiết... để hướng tới xây dựng khung luật, chính sách minh bạch, thống nhất về quản lý đất đai dựa trên các thể chế tài chính bền vững, phù hợp với các thông lệ chuẩn quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.