Tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến hoạt động xây dựng

Hệ thống Luật "xương sống" trong lĩnh vực xây dựng được ban hành trong năm qua được đánh giá là tác động tích cực đến đời sống xã hội.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến hoạt động xây dựng ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Kiểm soát hiệu quả các dự án đầu tư và quản lý chặt chất lượng các công trình dựng cũng như việc triển khai công tác lập quy hoạch, nhất là quy hoạch phân khu, tạo kết nối giữa các vùng miền là những vấn đề được nhiều địa phương quan tâm tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2015 của ngành xây dựng tổ chức tại Hà Nội ngày 16/1.

Đưa chính sách vào cuộc sống

Hệ thống Luật "xương sống" trong lĩnh vực xây dựng được ban hành trong năm qua được đánh giá là tác động tích cực đến đời sống xã hội. Đó là Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với những quan điểm, tư tưởng đổi mới căn bản, mang tính đột phá.

Việc phân định rõ các dự án đầu tư xây dựng sử dụng các nguồn vốn khác thì có phương thức quản lý khác nhau được các địa phương và doanh nghiệp ủng hộ.

Đối với các dự án có sử dụng vốn nhà nước thì cơ quan quản lý nhà nước phải quản lý chặt chẽ theo nguyên tắc “tiền kiểm” nhằm nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Với các dự án sử dụng vốn xã hội hóa thì Nhà nước tập trung kiểm soát về quy hoạch, quy chuẩn tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, còn các nội dung khác thì giao quyền chủ động cho người quyết định đầu tư và chủ đầu tư, nhằm tạo sự chủ động, thu hút tối đa các nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng.

Theo ghi nhận, công tác quản lý chất lượng công trình theo quy định tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc và đi vào nề nếp.

Thông qua thẩm tra thiết kế, dự toán của các cơ quan chuyên môn về xây dựng đã góp phần tích cực phòng chống thất thoát, lãng phí, khắc phục các sai sót về thiết kế; việc kiểm tra công tác nghiệm thu cũng đã giúp khắc phục được các khiếm khuyết về chất lượng trước khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Được mời đăng đàn đầu tiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt đã đánh giá rất cao sự nhập cuộc của Bộ Xây dựng trong vụ giải cứu công nhân tại sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng).

Theo tỉnh Lâm Đồng, Bộ Xây dựng đã có những giải pháp rất kịp thời và đồng thời đánh giá cả những tồn tại, hạn chế. Nhân sự việc này, hướng kiểm soát, giải quyết không chỉ dừng lại với riêng công trình này mà Bộ Xây dựng đã kịp thời rà soát, chỉ đạo đánh giá lại toàn bộ các công trình thuộc nhóm này trên toàn quốc; đặc biệt là việc cụ thể hóa Nghị định số 15 về quản lý chất lượng công trình xây dựng, ông Việt nhận xét.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị-Tổng giám đốc Công ty Xây dựng 789, nhận xét các vướng mắc về thể chế đã được tháo gỡ.

Trước đây, sau đấu thầu nếu dự án phải sửa chữa thiết kế thì sẽ mất rất nhiều thời gian hay như công trình nghiệm thu xong nhưng phải chờ rất lâu sau mới được thanh toán. Đây là chuyện muôn thuở mà các doanh nghiệp phải đối mặt, ông Nguyễn Quốc Dũng dẫn chứng.

Tuy nhiên, với các luật khung quan trọng của lĩnh vực xây dựng các khó khăn này sẽ được tháo bỏ. Đặc biệt, việc tiền kiểm của cơ quan chuyên môn sẽ khắc phục được hồ sơ thiết kế yếu kém, nâng cao tính chuyên nghiệp của các nhà thầu..., đồng thời sâu chuỗi các hoạt động trong lĩnh vực xây dựng từ khâu đầu đến khâu cuối và loại bỏ tình trạng đội giá, quản lý kém, gây thất thoát..., người đại diện doanh nghiệp xây dựng của Bộ Quốc Phòng nhận xét.

Tiết giảm chi phí, đảm bảo chất lượng

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định công tác quản lý đầu tư xây dựng được tăng cường đã góp phần tích cực chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Theo báo cáo của 61 địa phương, trong năm 2014 đã thực hiện thẩm tra 15.341 công trình, tỷ lệ hồ sơ thiết kế phải sửa đổi, bổ sung chiếm khoảng 43,8% tổng số hồ sơ được thẩm tra, tổng giá trị dự toán trước thẩm tra khoảng 108.240 tỷ đồng, giá trị cắt giảm sau khi thẩm tra là 5.833 tỷ đồng (tương đương 5,39%).

Qua kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng đối với 6.545 công trình thì có 97% số công trình đạt yêu cầu, đủ điều kiện đưa vào sử dụng, còn lại khoảng 3% công trình được các cơ quan chuyên môn về xây dựng yêu cầu sửa chữa, bổ sung, khắc phục các khiếm khuyết trước khi đưa vào sử dụng.

Đây là kết quả rất đáng ghi nhận bởi vừa chống thất thoát, vừa đảm bảo chất lượng công trình, đại biểu của các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Điện Biên đồng tình nhận xét.

Tỉnh Lâm Đồng dẫn chứng con số tiết kiệm sau thẩm tra thiết kế của địa phương này lên tới 10% giá trị các dự án và khẳng định phận việc này thật sự hiệu quả và rất thiết thực.

Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cũng được tăng cường, đặc biệt là việc kiểm soát, quản lý chất lượng và chi phí xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng thông qua việc thẩm định dự án, thẩm định thiết kế và dự toán, cấp phép xây dựng, quản lý năng lực hành nghề xây dựng, kiểm tra việc nghiệm thu công trình trước khi đưa vào khai thác sử dụng.

Thời gian qua, chất lượng các công trình trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia về cơ bản đã được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu thiết kế, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng và đưa vào vận hành, khai thác an toàn, hiệu quả.

Trong năm 2014, Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, kiểm định chất lượng các công trình cầu treo, các công trình dạng tháp; kiểm tra, đánh giá an toàn hồ, đập thủy đ iện, thủy lợi trên phạm vi toàn quốc. Kiểm tra, xử lý các vụ việc, sự cố về chất lượng công trình xây dựng.

Hiện Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế-kỹ thuật cho phù hợp với công nghệ, biện pháp thi công mới để làm cơ sở cho việc lập đơn giá, quản lý chi phí và thanh, quyết toán công trình được kịp thời, công khai, minh bạch, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Hiện thực hóa các mục tiêu

Mục tiêu ngành Xây dựng đặt ra cho năm 2015 là tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 35,5%, quy hoạch vùng tỉnh và quy hoạch chung đạt 100%; quy hoạch phân khu đạt khoảng 72-75%, quy hoạch chi tiết 1/500 đạt khoảng 35%, quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 100%.

Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 80,5-81%, tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm xuống còn 25%, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt khoảng 84,5-85%.

Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 21,5m2 sàn/người. Tổng sản lượng ximăng tiêu thụ đạt khoảng 70-72 triệu tấn. Giá trị sản xuất xây dựng toàn Ngành tăng khoảng 10% so với năm 2014.

Để đạt các mục tiêu này, năm 2015 Bộ Xây dựng sẽ tập trung vào 12 trọng tâm chính. Cùng với việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước củ a ngành, Bộ sẽ chú trọng xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật mới và sửa đổi, bổ sung các Nghị định về nâng loại đô thị, quản lý vật liệu xây dựng...

Các luật có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, nhất là đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, các công trình quy mô lớn, phức tạp có ảnh hưởng lớn đến an toàn của cộng đồng sẽ được tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong đầu tư xây dựng nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí, bảo đảm chất lượng công trình, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Cùng đó, khối lượng Nghị định kèm theo để hướng dẫn thực thi Luật cũng rất lớn, đây là áp lực mà Bộ Xây dựng phải thực hiện trong năm 2015, tuy nhiên cũng không vì "nhanh" mà làm vội để bỏ sót hoặc thiếu chặt chẽ, Bộ trưởng chia sẻ.

Ngoài ra, công tác quy hoạch xây dựng, rà soát điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch vùng liên tỉnh, quy hoạch khu chức năng đặc thù, quy hoạch chung đô thị trên phạm vi cả nước tiếp tục được đổi mới; đồng thời đẩy nhanh tốc độ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; hoàn thành quy hoạch xây dự ng nông thôn mới...

Năm 2015, Bộ Xây dựng khẳng định tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội. Theo đó, việc rà soát, phân loại, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa các dự án bất động sản vẫn được thực hiện đồng thời với việc đẩy mạnh tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích trung bình và nhỏ, giá bán thấp; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.