Trong thành quả chung của đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh vừa thực hiện và đảm bảo mục tiêu kép là kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19 và khôi phục, phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên sau COVID-19, tại thành phố đang diễn ra xu hướng một số doanh nghiệp; trong đó, có doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chuyển hướng đầu tư ra địa bàn xung quanh nhằm tìm kiếm cơ hội mới.
Vì thế, bức tranh thị trường bất động sản đang có những gam màu phát triển “trộn lẫn,” với sự sôi động ở địa bàn mới nổi nhưng lại khá im ắng ở địa bàn trung tâm xưa nay.
Bão hòa cơ hội đầu tư
Không phải đợi đến khi dịch COVID-19 diễn ra mà thị trường bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh trở nên im ắng. Bởi lẽ từ cuối năm 2018 đến nay, Thành phố chứng kiến nhiều biến động về nhân sự xung quanh các vi phạm trong quản lý đất đai.
Cùng với đó là việc thanh tra, kiểm tra của nhiều cơ quan chức năng. Hiện nay, thành phố không còn nhiều quỹ đất sạch, đang điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung, dẫn tới việc một số khu vực sẽ phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ.
Mặt khác thời gian gần đây, dù thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện chỉ số cải cách hành chính nhưng Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chỉ xếp thứ 7/63 tỉnh.
Thậm chí, trong các thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ số cải các hành chính của thành phố chỉ đứng trước Cần Thơ và sau Đà Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội.
[Xu hướng tìm kiếm các quỹ đất lớn xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh]
Một số chỉ số bị trừ điểm, giảm điểm như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cải cách tài chính công, gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động.
Những yếu tố đó cho thấy môi trường đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước thách thức mới, bị cạnh tranh khốc liệt. Nhiều hồ sơ dự án bị ngưng hoặc kéo dài thời gian xét duyệt khiến nhiều doanh nghiệp đã và đang dịch chuyển dần suất đầu tư ra thành phố.
Trong khi đó, theo một số chuyên gia, hiện tại các dự án bất động sản trong khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh không còn nhiều do quỹ đất ngày càng hạn hẹp.
Trong khi hạ tầng kết nối các vệ tinh với thành phố đang ngày càng phát triển nên thị trường đang có xu hướng dịch ra những khu vực lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An...
Mặt khác, các sản phẩm như nhà phố, biệt thự xây sẵn trong các dự án tại các khu đô thị quanh Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô lớn, được quy hoạch bài bản, đồng bộ, hoàn chỉnh các tiện ích đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nhờ suất đầu tư ở các địa bàn này đang ở mức “dễ chịu,” tiềm năng phát triển còn rộng.
Đại diện một doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhu cầu đầu tư kinh doanh và nhu cầu nhà ở thực tại các địa bàn xung quanh thành phố như Đồng Nai, Bình Dương, Long An đang tăng cao nhất là việc “ăn theo” quy hoạch các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành, cao tốc Bến Lức-Long Thành, khu đô thị sáng tạo phía Đông, kéo dài tuyến metro số 1 đến địa bàn tỉnh Đồng Nai...
Xét riêng trong lĩnh vực bất động sản, ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết các sản phẩm bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 như nhà phố cho thuê, trung tâm thương mại, khách sạn ở khu vực trung tâm thành phố.
Trong 7 tháng đầu năm 2020, Sở Xây dựng thành phố đã cấp phép huy động vốn cho 16 dự án nhà ở (quy mô huy động vốn khoảng 20.000 tỷ đồng), giảm 42 % so với cùng kỳ năm 2019 với 5.500 căn hộ được phép bán nhà ở trong tương lai.
Dưới góc độ quy hoạch, ông Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, các nhà đầu tư lớn không còn tìm thấy các quỹ đất sạch cỡ vài chục ha tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong 5 năm gần đây sự phát triển của Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu đã trở thành một cực đối trọng của thành phố chứ không còn là vệ tinh phụ thuộc hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Hòa, ngoài yếu tố đất đai, con người, các địa phương này còn có yếu tố kỹ thuật phù hợp như sân bay Long Thành, cao tốc Long Thành, cầu thay phà Cát Lái... sẽ thu hút người về đây. Vì thế, chúng ta đang chứng kiến sự chuyển dịch đầu tư bất động sản từ thành phố ra khu vực xung quanh như Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Quản lý cấp cao, Giám đốc bộ phận nhà ở của Công ty CBRE Việt Nam, trong vài năm trở lại đây xuất hiện nhiều khu đô thị được xây dựng ở các địa bàn gần Thành phố Hồ Chí Minh. Một số chủ đầu tư lớn đã dời suất đầu tư ra thành phố nhằm tìm kiếm quỹ đất lớn hơn.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng “ly tâm” là xu hướng đã bắt đầu khá lâu và nay càng mạnh hơn do giao thông hạ tầng kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa bàn xung quanh tốt hơn.
Vì thế, Thành phố muốn tiếp tục giữ vững vai trò sức hút trung tâm cần có lực gia tốc mới đẩy thị trường vượt ngưỡng hiện nay; trong đó, quy hoạch thành phố phía Đông là một lực đẩy mới, đồng thời thành phố cũng cần nhanh chóng tháo gỡ điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là về kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong đó có hệ thống giao thông.
Sôi động thị trường vùng ven
Trái với bức tranh “ảm đạm” tại Thành phố Hồ Chí Minh là những diễn biến khá sôi động về tình hình đầu tư dự án bất động sản xung quanh thành phố như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Khảo sát của trang batdongsan.com cho thấy trong quý 2/2020 lượng tin đăng và mức độ quan tâm nhà ở tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng lại tăng cao ở các địa bàn xung quanh như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương (mức tăng 40%).
Đáng chú ý, vừa qua Tập đoàn Novaland (chủ đầu tư) đã triển khai nhiều hoạt động để đẩy nhanh xây dựng và phát triển Khu đô thị Aqua City (tại tỉnh Đồng Nai) như ký kết hợp tác với đối tác để phát triển và vận hành tổ hợp khách sạn tại dự án. Đây là dự án bất động sản đô thị vệ tinh do Tập đoàn Novaland phát triển theo mô hình đô thị sinh thái thông minh có quy mô gần 1.000ha.
Một thương hiệu lớn khác là Tập đoàn Nam Long vừa qua cũng ra mắt 2 dự án trọng điểm gồm dự án căn hộ Akari với hơn 130 căn hộ Flora tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, và dự án Waterpoint với gần 500 sản phẩm cao cấp, biệt thự tại huyện Bến Lức, Long An.
Hay như vừa qua tại Long An, Công ty Thịnh Hưng Holdings đã kết hợp tác phân phối gần 1.000 sản phẩm đất nền tại dự án Khu đô thị VIETUC Varea có quy mô lên tới 20,5ha.
Tương tự, một dự án lớn giáp Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang trong quá trình khởi động là Khu đô thị Hồ Tràm, Bà Rịa-Vũng Tàu, quy mô 5.000ha vừa được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Không chỉ dự án nhà ở, đất nền mà bất động sản công nghiệp cũng đang bắt đầu “khởi nhịp” ở địa bàn xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là sau dịch COVID-19.
Theo khảo sát của trang batdongsan.com, thông tin tìm kiếm bất động sản công nghiệp đang tăng nhanh như tại Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc (Thành phố Hồ Chí Minh, tăng 175%), Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (Bình Dương, tăng 132%).
Theo các chuyên gia, đây là thời điểm bất động sản công nghiệp sẽ tạo bước đột phá khi có sự dịch chuyển đầu tư nhiều doanh nghiệp nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia đến Việt Nam.
Đón đầu xu hướng dịch chuyển nói trên, vừa qua tại huyện Đức Hòa, Long An, Công ty TNHH Hải Sơn khởi công Cụm công Nghiệp Hải Sơn với quy mô 1.300ha gồm 200ha khu đô thị.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam, trong quý 2/2020, tổng diện tích đất cho thuê công nghiệp của miền Nam đạt hơn 25.000ha.
Việc khan hiếm nguồn cung càng trở nên rõ rệt hơn khi các khu công nghiệp hiện hữu đang dần được lấp đầy nhanh chóng trong khi quỹ đất mới đang bị trì hoãn.
Giá đất với trung bình đạt 106 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2019. Ngược lại, giá thuê nhà xưởng xây sẵn vẫn ổn định ở mức 3,5-5 USD/m2/tháng.
“Với thành công của công tác phòng chống dịch COVID-19, nền tảng phát triển công nghiệp mạnh cùng với xu hướng tìm nguồn cung ứng đa dạng đang diễn ra hứa hẹn sẽ đưa Việt Nam lên một tầm cao mới để cạnh tranh với các nước khác,” đại diện Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam nhận định./.