Từ ngày 12-18/8, tỉnh Đắk Lắk đã có thêm 22 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng gấp đôi so cùng kỳ năm trước.
Như vậy, từ tháng 7 đến nay, Đắk Lắk có 180 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tập trung nhiều nhất ở thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) với 40 ca, còn lại ở các huyện Krông Búk, thị xã Buôn Hồ, thành phố Buôn Ma Thuột…
Năm 2015, bệnh sốt xuất huyết xuất hiện sớm và số lượng người mắc nhiều là do diễn biến bất thường của thời tiết sáng nắng, chiều mưa, nền nhiệt độ thích hợp với việc sinh sản, phát triển muỗi.
Trong khi đó, đồng bào các dân tộc chủ quan, chưa tự giác dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, khu dân cư để muỗi vằn sinh sản và phát triển…
Trước tình hình trên, tại các điểm có người mắc bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đã khoanh vùng, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, tẩm màn, diệt bọ gậy, kiên quyết không để lây lan bùng phát thành dịch.
Ngành y tế phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tập trung vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom chai lọ, các vật dụng chứa nước, chủ động diệt lăng quăng, không làm nơi trú ngụ cho muỗi vằn sinh sản.
Ngành y tế tỉnh cũng hướng dẫn đồng bào các dân tộc chăm sóc trẻ em, không để muỗi đốt, khi ngủ phải mắc màn hoặc dùng các hóa chất, nhang chống muỗi, khi làm nương rẫy phải mặc quần áo dài tay, tránh muỗi đốt.
Nhà có người bị sốt không được tự ý mua thuốc về uống hoặc chữa trị ở các thầy lang mà phải đến các cơ sở y tế khám, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất các biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nhờ các biện pháp tích cực, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được ngăn chặn, không để lây lan bùng phát thành các ổ dịch/.