Tình trạng khan hiếm vắcxin dịch vụ: Chỉ là cơn sốt ảo?

Xét về mặt tổng thể, tiêm chủng mở rộng với hơn 11.000 điểm tiêm rộng khắp như một “bức tranh” hoàn chỉnh, còn tiêm chủng dịch vụ chỉ vài điểm như những “hạt cát” tô điểm trong bức tranh trên.
Tình trạng khan hiếm vắcxin dịch vụ: Chỉ là cơn sốt ảo? ảnh 1Sản xuất vắcxin phòng bệnh tại Công ty Vắc-xin và sinh phẩm số 1. (Ảnh: TTXVN)

Những ngày qua, câu chuyện về việc thiếu vắcxin dịch vụ tại một số thành phố lứn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang là vấn đề “nóng” được dư luận hết sức quan tâm, bởi nó len lỏi tới từng gia đình.

Cảnh người dân chen chân nhau xếp hàng từ tờ mờ sáng để có được mũi vắc xin tiêm dịch vụ cho con khiến không ít người nghĩ tới các câu chuyện xếp hàng thời bao cấp.

Giữa một xã hội hiện đại như ngày này, đó quả là những hiện tượng lạ. Lý giải về hiện tượng trên, có ý kiến cho rằng đó chỉ là “cơn sốt ảo.”

Mổ xẻ nguyên nhân


Tại cuộc Tọa đàm trực tuyến “Câu chuyện vaccine - Khi nào hết nóng” tổ chức chiều 19/3 tại Hà Nội, các chuyên gia y tế tập trung phân tích những nguyên nhân của tình trạng trên và đưa ra các giải pháp khắc phục và định hướng chiến lược dài hạn cho vấn đề tiêm chủng hiện nay.

Việc vừa qua có một số vắcxin dịch vụ, đặc biệt là vắcxin Hexa infanrix 6 trong 1 và vắcxin Pentaxim 5 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, có loại phòng thêm bệnh bại liệt, viêm màng não mủ luôn trong tình trạng “khan hiếm.”

Lý giải về việc thiếu này, theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, nó chỉ tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Vì qua thống kê cho thấy, số lượng các trẻ em tham gia việc tiêm chủng 2 loại vắcxin này dưới hình thức tiêm chủng dịch vụ không lớn. Hàng năm chỉ chiếm khoảng 8-10% số lượng trẻ em. Còn lại phần lớn trẻ em Việt Nam vẫn đang tham gia thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng, mỗi năm tiêm khoảng trên 1,5 triệu trẻ.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay trong 20 loại vắcxin dịch vụ, chỉ thiếu 2 loại trên, còn 18 loại khác đều cơ bản đáp ứng đầy đủ.

“Tuy nhiên, việc thiếu vắcxin trên cũng có ảnh hưởng lớn, thứ nhất làm cho các bà mẹ có tâm lý chờ đợi để có vắcxin dịch vụ để tiêm. Thứ 2, sự thiếu này nếu tuyên truyền không tốt, tạo nên cơn sốt ảo, từ đó khiến các bà mẹ khác thấy rằng vắcxin dịch vụ này tốt và lại tiếp tục chờ, dẫn tới tình trạng một số điểm tiêm dịch vụ xuất hiện hiện tượng xếp hàng, chờ đợi, rồi các thông tin cũng có thông tin tích cực và thông tin thiếu tích cực, chưa chính xác gây nên sự hiểu lầm trong việc tiêm phòng cũng như sử dụng các loại vắcxin,” ông Phu phân tích.

Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân thiếu 2 loại vắcxin trên là do thời gian vừa qua nhà sản xuất không đáp ứng đủ, họ thay công nghệ, chuyển địa điểm… cũng có những lô vắcxin hỏng.

Mặt khác, vắcxin 6 trong 1 và 5 trong 1 trong dịch vụ có thị phần rất ít và không phải sự đặt hàng có tính chất quy mô từ Chính phủ như vắcxin tiêm chủng mở rộng, mà theo cơ cấu điều tiết cơ cấu thị trường, cung cầu nên không được sự quan tâm của nhà sản xuất, vì thế đã dẫn tới có hiện tượng thiếu hụt như vậy.

Tình trạng khan hiếm vắcxin dịch vụ: Chỉ là cơn sốt ảo? ảnh 2Tiêm vắcxin cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng. (Ảnh: TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Trưởng Ban Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng chỉ rõ, trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vắcxin được tiêm miễn phí cho trẻ em và trong rất nhiều năm nay, rất hiếm khi xảy ra tình trạng thiếu vắcxin, tất cả nhu cầu vắcxin trong chương trình này đều được Nhà nước đảm bảo.

Nhu cầu với từng loại vắcxin hàng năm đều được lập kế hoạch cụ thể căn cứ vào số tượng cầu trẻ sinh ra hàng năm. Đây là lý do tại sao vắcxin trong tiêm chủng mở rộng luôn sẵn có để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng thường xuyên hiện nay.

Loại bỏ tâm lý “mất tiền mới là vắcxin tốt”

Hiện nay, nhiều người dân có tâm lý cho rằng vắcxin rẻ là không tốt, lo lắng chất lượng vắcxin miễn phí và họ nhất quyết để chờ mất tiền tiêm vắcxin dịch vụ.

Ông Nguyễn Văn Cường khẳng định, suy nghĩ vắcxin đắt tiền của dịch vụ tốt hơn vắcxin tiêm chủng mở rộng là sai.

"Bởi vắcxin dịch vụ phải trả tiền cao hơn nhiều là bởi vì khi đưa trẻ đi tiêm vắcxin dịch vụ, người dân phải trả tiền cho một mũi nên đắt, còn vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhà nước mua vài triệu liều mỗi năm. Do vậy nếu so sánh việc mua một liều với mua vài triệu liều, đương nhiên việc mua vài triệu liều sẽ rẻ hơn, điều đó rất dễ hiểu. vắcxin tiêm chủng mở rộng không phải tự nhiên miễn phí, Nhà nước phải trả tiền để mua, tổ chức quốc tế hỗ trợ,” ông Cường lý giải.

Về vấn đề này ông Đỗ Tất Đạt, Giám đốc Công ty Vắc-xin và sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế) cho biết có những vắc-xin công ty ông cung cấp đồng thời cho cả điểm tiêm chủng dịch vụ và Chương trình tiêm chủng mở rộng nhưng người dân lại chấp nhận trả tiền để tiêm ở điểm dịch vụ. Chẳng hạn như vắcxin viêm não Nhật Bản, ở các điểm tiêm, chất lượng như nhau, cùng nhà sản xuất nhưng nếu người dân đến tiêm chủng mở rộng sẽ được miễn phí còn khi tiêm chủng dịch vụ sẽ phải trả tiền.

Hiện nay loại vắcxin viêm não Nhật Bản của Công ty Vắc-xin và sinh phẩm số 1 chiếm tới 90% thị phần, đã được sử dụng tới 25 năm với 40 triệu liều. Những năm trước, dịch viêm não Nhật Bản xảy ra phổ biến nhất nhưng đến nay tỷ lệ này đã giảm rất nhiều.

“Năm 2014, Công ty chúng tôi đã cung cấp tới 4 triệu liều vắcxin viêm não Nhật Bản cho chương trình tiêm chủng mở rộng, gần như phủ hết tất trẻ em trong độ tuổi đều được tiêm phòng. Còn người dân luôn luôn có lựa chọn, có thể họ thích dịch vụ nhưng bản thân họ vẫn hiểu rằng mất tiền mà chất lượng thì cũng chỉ như vắcxin đang được tiêm trong chương trình mở rộng, và hiệu quả là như nhau. Câu chuyện này có thể là do tâm lý của người dân,” ông Đạt cho hay.

Tình trạng khan hiếm vắcxin dịch vụ: Chỉ là cơn sốt ảo? ảnh 3Các vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng luôn cung ứng đủ. (Ảnh: TTXVN)

Chia sẻ quan điểm của mình, tiến sỹ Kohei Toda chuyên gia về tiêm chủng mở rộng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, tại Việt Nam, trong một vài năm gần đây, có nổi lên một số vấn đề về tiêm chủng vì có những tai biến sau tiêm chủng và đây là lần đầu tiêm chương trình tiêm chủng mở rộng đã phải dừng lại trong một vài tháng.

Tuy nhiên, Bộ Y tế và chương trình tiêm chủng mở rộng đã làm rất nhiều việc để khôi phục lại niềm tiên của nhân dân. Đồng thời việc này được thực hiện với sự hỗ trợ của WHO và Unicef. Và những nỗ lực đó đã được đền đáp xứng đáng.

“Các vụ dịch xảy ra trong thời gian qua như viêm não Nhật Bản, sởi và năm nay là ho gà thì đã chứng minh: chương trình tiêm chủng mở rộng thực sự quan trọng và các cháu phải được sử dụng đúng lịch để có thể được bảo vệ,” tiến sỹ Kohei Toda khẳng định.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, hiện tại, xét về mặt tổng thể, các bà mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng mở rộng nhiều như một “bức tranh” hoàn chỉnh còn tiêm chủng dịch vụ chỉ vài điểm như những “hạt cát” tô điểm trong bức tranh trên. Bởi cả nước có hơn 11.000 xã, phường là hơn 11.000 điểm tiêm chủng, ngoài ra điểm tiêm chủng còn vùng khó khăn, chứ không phải vài điểm tiêm dịch vụ như người dân vẫn thấy.

Vì vậy, hoạt động trong tiêm chủng mở rộng diễn ra bình thường, vắcxin cung ứng đủ, nếu không nhìn các điểm dịch vụ, việc tiêm chủng mở rộng vẫn diễn ra bình thường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục