Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết Tổng cục vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải về tình trạng xe chở quá tải ngang nhiên hoạt động tại nhiều địa phương.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong tháng 4, qua tuần tra, kiểm tra 10.000 xe, Thanh tra các Sở Giao thông Vận tải và các Cục Quản lý đường bộ sử dụng cân xách tay phát hiện hơn 1.400 xe vi phạm, tước hơn 500 giấy phép lái xe và xử phạt nộp kho bạc Nhà nước hơn 12 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho hay trong tháng 4/2021, các lực lượng chuyên ngành tiếp tục duy trì công tác kiểm tra tải trọng xe, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông, góp phần ngăn chặn tình trạng xe quá tải tái diễn.
[Duy trì 'phạt nguội' xe quá tải bằng cân tự động trên Quốc lộ 5]
Tuy nhiên, do lực lượng thanh tra giao thông mỏng nên không thể kiểm soát được tất cả các tuyến đường, đặc biệt một số quốc lộ và một số tuyến đường địa phương, nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, các dự án xây dựng, san lấp mặt bằng, nhà máy ximăng, khu công nghiệp... tình trạng xe sang tải vẫn tái diễn phức tạp.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên một số quốc lộ, đường đô thị và đường địa phương đã tái diễn, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông nhất là tại các tỉnh thành như Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định.
Vì vậy, trong tháng 5 và các tháng tiếp theo, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo công tác phối hợp giữa các lực lượng Công an, Thanh tra giao thông, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và các nhiệm vụ khác của địa phương, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32/CT-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông.
Các địa phương tiếp tục triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn theo Chỉ thị số 03/2020 của Bộ Giao thông Vận tải, bố trí lực lượng, kinh phí, duy trì hoạt động của các trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động và sử dụng cân xách tay để thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe phù hợp với tình hình xe quá tải trên địa bàn.
"Ban An toàn giao thông cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp kiểm soát tải trọng xe ngay từ đầu nguồn hàng. Đồng thời đề nghị Ủy ban Nhân dân các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đầu tư lắp đặt các trạm kiểm soát tải trọng xe tự động như mô hình trạm kiểm soát tải trọng xe do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, lắp đặt trên Quốc lộ 5 (Hải Phòng)," Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị.
Trước đó, đầu tháng 4 vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức tổng kết sau 6 tháng thí điểm bộ cân kiểm tra tải trọng xe tự động tại Quốc lộ 5 do JICA tài trợ.
Kết quả cho thấy trong số hơn 466.000 lượt xe được cân kiểm tra, phát hiện 663 lượt xe vi phạm tải trọng đường bộ (bằng 0,14%), số xe vi phạm theo ngày bình quân 3,6 lượt xe/ngày.
Với hệ thống camera chuyên dụng, tích hợp thiết bị cảm biến đặt dưới mặt đường, thiết bị cân sẽ tự động chụp lại biển kiểm soát của tất cả các xe đi qua, lọc ra các xe tải và lập tức đọc ra 15 thông tin của xe như tên chủ xe, khối lượng bản thân của xe, khối lượng hàng hóa được phép chở, kích thước thành thùng...
Hệ thống cân sau đó sẽ tự động đo lường, phân tích thông số: xe nặng bao nhiêu tấn, tính toán ra xe này có vi phạm tải trọng không; vi phạm tải trọng cầu đường, tải trục bao nhiêu %... một cách công khai, minh bạch, không có sự can thiệp của con người.
Nhờ công nghệ hiện đại, hệ thống cân điện tử này cũng có thể cân tải trọng khi xe ở trạng thái dừng hoặc di chuyển ở vận tốc đến 80 km/giờ và chỉ mất từ 3-10 giây, phiếu cân đã có thể được in ra.
Ngoài ra, việc áp dụng xử phạt nguội giúp lực lượng chức năng không phải trực tiếp ra đường để dừng xe, kiểm tra và xử phạt vi phạm, tránh được tiếp xúc và va chạm với tổ chức, cá nhân vi phạm; chi phí cho việc vận hành, khai thác dữ liệu và xử phạt không đáng kể, nhân sự không phải trực 24/24 giờ trong ngày, không làm việc trực tiếp tại hiện trường; lái xe vi phạm bị phát hiện, xử phạt, tình trạng xe quá tải nhanh chóng được ngăn chặn, chấm dứt.../.