Tổng công ty Đường sắt xin vay 800 tỷ đồng để tránh bị dừng hoạt động

Tổng công ty Đường sắt xin vay 800 tỷ đồng để tránh dừng hoạt động

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa có kiến nghị Chính phủ gói hỗ trợ khẩn cấp bao gồm cấp hạn mức tín dụng 800 tỷ đồng vay ưu đãi không tính lãi để bổ sung cho nguồn vốn lưu động.
Ngành đường sắt đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngành đường sắt đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết VNR đã có kiến nghị gửi tới Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó vì COVID -19, trong đó xin vay 800 tỷ đồng không tính lãi nhằm nhằm bổ sung cho nguồn vốn lưu động đang bị hụt để duy trì dòng tiền hoạt động, tránh nguy cơ dừng hoạt động của đơn vị.

Theo ông Minh, VNR đang thực hiện các giải pháp siết chặt quản trị, giảm chi phí, bao gồm giảm lương trong điều kiện khó khăn sản xuất kinh doanh hiện nay.

“Năm 2020, Tổng công ty lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, dự kiến năm 2021 lỗ thêm 942 tỷ đồng. Nếu dịch bệnh kéo dài qua năm 2022, nguy cơ doanh nghiệp này mất hết vốn chủ sở hữu, không có đủ dòng tiền trả lương người lao động. Do đó, đơn vị kiến nghị Chính phủ gói hỗ trợ khẩn cấp bao gồm cấp hạn mức tín dụng 800 tỷ đồng vay ưu đãi không tính lãi để bổ sung cho nguồn vốn lưu động và đề nghị có chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động đang bị mất và thiếu việc làm,” vị Chủ tịch VNR cho biết.

Bên cạnh đó, VNR kiến nghị được giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư cho năm nay và các năm tiếp theo; miễn, giảm, giãn thời gian thu tiền thuê sử dụng đất cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt cho năm 2021.

Tổng công ty Đường sắt cũng kiến nghị ưu tiên được tiêm phòng vaccine cho trên 6.678 lao động tuyến đầu vì có nguy cơ cao bị lây nhiễm, bởi các đối tượng này nếu bị nhiễm virus và bị cách ly sẽ tạo ra ảnh hưởng nghiêm trọng làm gián đoạn đến công tác vận tải của ngành đường sắt.

Đưa ra các giải pháp trước mắt, VNR tăng cường triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, thu hút khách đi tàu và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách muốn hủy trả vé; điều chỉnh giá vé theo từng cung chặng, giảm từ 12%-30% giá vé đối với tàu Thống Nhất và một số tàu địa phương theo từng giai đoạn diễn biến thực tế của dịch và khuyến cáo của các cơ quan chức năng.

Tổng công ty theo dõi tình hình luồng khách, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch chạy tàu cũng như thành phần đoàn tàu nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh; rà soát đánh giá kết cấu vận chuyển hàng hóa, hành khách trong điều kiện vận tải hiện tại, xây dựng phương án tổ chức vận tải hàng hóa, hành khách phù hợp; giảm bớt tàu khách không hiệu quả, tăng cường chạy tàu hàng chuyên tuyến; nối xe hàng nguyên toa chạy suốt vào tàu khách tận dụng chiều dài đoàn tàu mà không ảnh hưởng tới chất lượng phục vụ đoàn tàu khách.

[COVID-19: Đường sắt sụt giảm gần 50% doanh thu vận tải hành khách]

Theo báo cáo của VNR, năm tháng vừa qua, tổng doanh thu toàn ngành đạt 1.114 tỷ đồng, bằng 81% so với cùng kỳ 2020 và chỉ bằng 60% cùng kỳ 2019 khi chưa bùng dịch. Số hành khách lên tàu chỉ bằng 64% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu đạt 400,6 tỷ đồng, bằng một nửa cùng kỳ.

Trong tháng 5/2021, ngành đường sắt dừng 393 đoàn tàu; trong đó 38 đoàn tàu Thống nhất, số đoàn tàu khách địa phương là 355 đoàn. Có thời điểm, ngành chỉ duy trì một đôi tàu khách tuyến Bắc Nam, dừng toàn bộ tàu địa phương.

Dịch bùng phát đợt 4 ngay vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 đã có 11.383 vé bị trả lại với doanh thu bị trả lại xấp xỷ 4 tỷ đồng.

“Chiến dịch vận tải Hè từ tháng Năm đến hết tháng Tám là thời điểm ngành đường sắt tổ chức chạy tàu khách với số lượng lớn nhất trong năm và đạt doanh thu cao để bù đắp cho các tháng thấp điểm còn lại. Tuy nhiên, năm nay dịch bùng phát trở lại sẽ làm mất đi phần lớn sản lượng vận tải hành khách Hè, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu và việc làm. Theo dự báo, nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa có vaccine để tiêm phòng cho nhân dân thì việc sản lượng khách đi tàu suy giảm tiếp tục kéo dài đến hết năm,” lãnh đạo VNR nhấn mạnh.

Với vận tải hàng hóa, do đã có sự chuyển đổi từ các năm trước nên từ đầu năm đến nay, mặc dù có bị ảnh hưởng của dịch nhưng sản lượng hàng hóa có tăng trưởng so với cùng kỳ, Tổng công ty đã chủ động xây dựng các biện pháp phòng chống dịch để duy trì chạy tàu hàng liên vận quốc tế, khai thông các nút thắt trong chính sách đường biên của Trung Quốc và tích cực tìm kiếm nguồn hàng mới vận chuyển trong nước nên doanh thu vận tải hàng hóa tăng 21% so với cùng kỳ.

Hiện VNR có 1.169 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động và 136 người nghỉ không hưởng lương. Số lao động nghỉ việc chủ yếu là ở các công ty vận tải do các đoàn tàu bị dừng hoạt động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục