Kẹt xe đang là nỗi ám ảnh hàng ngày mỗi khi ra đường đối với người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tình trạng này càng trở nên bức bối hơn vào dịp cuối năm khi nhu cầu đi lại, giao thương và vận chuyển hàng hóa tăng cao, không chỉ ở các cửa ngõ, bến cảng, sân bay mà còn diễn ra cả khu vực nội đô.
Nội đô, cửa ngõ đều kẹt
Lý giải về nguyên nhân kẹt xe tăng cao vào mỗi dịp cuối năm, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây là dịp người dân đi lại để giao thương, mua sắm nhiều kéo theo sự gia tăng phương tiện và mật độ, đặc biệt tại khu vực nội đô, nơi có nhiều trung tâm thương mại với nhiều chính sách khuyến mãi hàng hóa. Tốc độ trung bình của phương tiện lưu thông trong nội đô chỉ ở mức 22km/h.
Theo quan sát của phóng viên, tại quận 1, dọc những tuyến đường có nhiều trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn lớn như Tôn Đức Thắng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Thánh Tôn, Đồng Khởi… lượng xe tải nhỏ dưới 2 tấn ra vào nhiều hơn thường ngày để chở hàng vì đây là những địa điểm tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, tiệc tùng cuối năm.
Ngay góc đường Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Hữu Cảnh thường xuyên ùn tắc do đường hẹp, ôtô quay chiều theo hướng đâm đầu vào nhau, khiến giao thông khu vực ùn ứ, phương tiện phải xếp hàng dài.
Đây cũng là khu vực đang thi công tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên (ga Ba Son) nên lực lượng chức năng buộc phải rào chắn một phần đường Tôn Đức Thắng nên xe cộ qua lại khó khăn.
Một khu vực khác ở quận 3, giáp ranh quận 1 cũng thường xuyên ùn ứ vào buổi trưa và cuối buổi chiều là góc đường Nguyễn Thị Minh Khai-Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai-Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Đây là tuyến đường có nhiều cao ốc văn phòng, trường học, vào thời điểm nói trên, lượng xe taxi tập trung nhiều để đón khách trong khi 2 nút giao này cách nhau chừng vài trăm mét. Nhất là cuối buổi chiều lượng xe quay đầu từ Lê Quý Đôn ra Nguyễn Thị Minh Khai và từ Nguyễn Thị Minh Khai rẽ phải vào đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa để về trung tâm quận 1.
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra ở nhiều khu vực nội đô khác như Điện Biên Phủ-Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ-Lê Quý Đôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Lý Chính Thắng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Võ Thị Sáu…
Chị Nguyễn Vân Anh, nhân viên văn phòng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 cho biết, từ chỗ công ty của chị đến Bưu điện thành phố chưa được 1km nhưng có thời điểm chị phải mất hơn 15 phút mới đến nơi được vì phải vất vả thoát ra dòng xe chật cứng hàng dài trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn từ Trương Định đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Trong khi đó, tại khu vực cửa ngõ Tây Bắc thành phố, lộ trình từ huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, Gò Vấp về trung tâm vào mỗi buổi sáng và chiều ngược lại vào cuối buổi chiều diễn ra hết sức khó khăn. Từ tuyến đường độc đạo Quốc lộ 22 về Quang Trung sẽ bị ùn tắc tại nút giao Phan Huy Ích, Thống Nhất, rẽ vào Trường Chinh sẽ bị ùn ứ tại giao lộ Tân Kỳ Tân Quý, Âu Cơ, Nguyễn Hồng Đào còn về phía đường Cộng Hòa sẽ ách tắc tại Khu công nghiệp Tân Bình, mũi tàu Trường Chinh, cầu Hoàng Hoa Thám, đường Út Tịch.
Đặc biệt, do đang thi công cầu vượt tại ngã Sáu Gò Vấp (Quang Trung-Nguyễn Thái Sơn-Nguyễn Kiệm-Trần Thị Nghĩ-Nguyễn Văn Nghi-Phạm Ngũ Lão) nên kẹt xe thường xuyên diễn ra mặc dù đã có lực lượng phân luồng, điều tiết giao thông.
Tại cửa ngõ phía Đông, tình hình giao thông cuối năm không mấy sáng sủa, đặc biệt trên tuyến xa lộ Hà Nội, kẹt xe diễn ra liên miên tại khu vực ngã tư Thủ Đức, ngã tư MK, ngã ba Cát Lái. Đây là những khu vực mà xe tải, xe container tấp nập ra vào Khu Công nghệ cao, cụm cảng cạn Thủ Đức Phước Long 3, Transimex, Phúc Long, một số nhà máy thép, ximăng.
Đặc biệt tại khu vực ra vào cảng Cát Lái (quận 2), vì cuối năm hàng hóa tập kết nhiều nên tuyến đường xung quanh như Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ thường xuyên ùn tắc, lượng xe container xếp hàng dài chờ vào cảng, nhất là khu vực cầu Phú Mỹ (nối quận 2 với quận 7) và vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2).
Tăng cường điều tiết, phân luồng
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian gần đây tại địa bàn thành phố thường xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường hướng khu vực trung tâm, các trục ra vào các cảng hàng không.
Các tuyến đường đã trở nên quá tải, mật độ phương tiện đông và ngày càng gia tăng, vận tốc lưu thông ngày càng giảm khiến tình hình di chuyển trở nên khó khăn.
Tính đến tháng 9/2016, thành phố đang quản lý 7,7 triệu phương tiện; trong đó, có hơn 607.000 xe ôtô, chưa tính các phương tiện đăng ký tại các tỉnh khác hàng ngày hoạt động trên địa bàn.
Tính đến hết năm 2015, tổng chiều dài các tuyến đường của thành phố khoảng hơn 4.000 km; trong đó trên 70% đường có bề rộng lòng đường nhỏ, từ 7m trở xuống.
Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để giảm thiểu ùn tắc giao thông dịp cuối năm, trước mắt, thành phố sẽ tăng cường lực lượng điều tiết, phân luồng nhất là tại các điểm thường hay xảy ra ùn ứ.
Cùng với đó, dự kiến trước Tết Nguyên đán 2017, thành phố sẽ công bố bản đồ số chia sẻ thông tin giao thông qua hệ thống camera, nhất là tại các tuyến đường hay kẹt xe để người dân trực tiếp truy cập hình ảnh, qua đó lựa chọn lộ trình phù hợp, tránh dồn vào một điểm.
Đối với khu vực nội đô, do đang triển khai tuyến metro số 1 (ga Ba Son) nên lực lượng buộc phải rào chắn một phần đường Tôn Đức Thắng để thi công nhưng sẽ hạn chế tối đa ảnh hưởng việc đi lại của người dân.
Nói về giải pháp công trình, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trong năm 2017 thành phố sẽ tập trung đầu tư xây dựng một số nút giao trọng điểm, xây hầm chui An Sương, khép kín Vành đai 2, các tuyến đường cửa ngõ nhằm giải nhanh ùn tắc đồng thời đẩy nhanh tiến độ dự án nút giao thông Mỹ Thủy, cầu vượt thép ngã Sáu Gò Vấp…
Đối với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, sẽ khởi công và phấn đấu hoàn thành dự án cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn-đường nối Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài, khởi công 4 công trình gồm mở rộng đường Hoàng Minh Giám (đoạn từ ranh công viên Gia Định đến đường Đào Duy Anh và đoạn vuốt nối đường Phổ Quang hiện hữu), mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa, cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long và xây dựng cầu thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn-Nguyễn Kiệm.
Cùng với đó thành phố sẽ thực hiện 6 dự án theo quy hoạch gồm xây dựng cầu vượt bằng thép tại nút giao Trường Chinh-Cộng Hòa, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa), mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ), làm đường bộ trên cao số 1, tuyến metro số 4b, tuyến xe buýt nhanh BRT số 4. Còn tại khu vực Cảng Cát Lái, ưu tiên triển khai xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy, nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Thị Định và các dự án hoàn thiện đường Vành đai 2…
Về giải pháp lâu dài, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định, giai đoạn năm 2016-2020, thành phố ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3, đường xuyên tâm (Bắc-Nam), đường hướng tâm, đường trên cao (tuyến số 1, tuyến số 5), các tuyến đường sắt đô thị (số 1, số 2), tuyến xe buýt nhanh (tuyến BRT số 1, số 4), các tuyến đường phục vụ giao thông khu vực Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, cụm cảng biển Cát Lái… với nhu cầu vốn hơn 300.000 tỷ đồng; trong đó đã cơ bản đã thu xếp vốn cho 107 dự án với hơn 140.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, giai đoạn năm 2021-2025, thành phố cần khoảng 530.0000 tỷ đồng để nâng cấp hoàn thiện toàn bộ tuyến đường xuyên tâm (trục Bắc-Nam), các tuyến đường đô thị cấp I, II, đường trên cao (số 2, số 3, số 4), các nút giao lớn trong khu vực nội đô và trên các tuyến vành đai 2, vành đai 3, phát triển vận tải hành khách công cộng có sức chở lớn (tuyến đường sắt đô thị số 3a, số 4, xe điện mặt đất số 1, số 3).../.