Chiều 1/2, bác sỹ Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết mặc dù dịch bệnh do virus Zika hiện chưa có yếu tố dịch tễ lây lan sang Việt Nam, tuy nhiên, đơn vị đã triển khai một số biện pháp chủ động ứng phó khi dịch bệnh này xảy ra.
Cụ thể, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế thành phố đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm ngặt việc đo thân nhiệt cho các hành khách từ các chuyến bay quốc tế về Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Việc kiểm tra thân nhiệt đượcTrung tâm triển khai và duy trì từ khi một số dịch bệnh nguy hiểm có thể xâm nhập về Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế như bệnh do virus Ebola, Mers-CoV...
Tuy nhiên, trong đợt dịch này, đơn vị đã tăng cường thường xuyên hơn. Hiện ở ga đến quốc tế sân bây Tân Sơn Nhất có hai máy đo thân nhiệt đang hoạt động 24/24 giờ.
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế thành phố cũng tăng cường mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, hóa chất… để chuẩn bị ứng phó khi dịch bệnh này xâm nhập vào địa bàn. Đồng thời, Trung tâm thường xuyên kiểm tra định kỳ đối với các chuyến bay đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Đáng chú ý, theo bác sỹ Nguyễn Văn Sáu, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế vừa triển khai thực hiện khảo sát mật độ muỗi trong khu vực sân bay.
Mặc dù kết quả ở dưới ngưỡng cho phép nhưng trong tuần này đơn vị vẫn thực hiện phun thuốc diệt muỗi tại đây để diệt nguồn lây, đề phòng virus có thể xâm nhập, phát triển.
Riêng việc ghi tờ khai y tế đối với hành khách về từ vùng dịch vẫn chưa được áp dụng do chưa có chỉ đạo của Cục Y tế dự phòng.
Hiện dịch bệnh do virus Zika đang phát triển mạnh ở khu vực các nước châu Mỹ và lây lan sang một số nước khác. Bộ Y tế cũng nhận định dịch bệnh này hoàn toàn có khả năng xâm nhập vào Việt Nam.
Do đó, để chủ động phòng chống bệnh do virus này xâm nhập và lây lan vào Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus Zika chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, đặc biệt không tự ý điều trị tại nhà.
Người dân phải đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng.
Ngoài ra, người dân phải thường xuyên ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch…/.