TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị hơn 19.000 tỷ đồng hàng hóa Tết

Doanh nghiệp TP.HCM sẽ chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng hàng hóa cho 2 tháng Tết Canh Tý 2020 là hơn 19.027 tỷ đồng, 3,27% so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Kỷ Hợi 2019.
Khách hàng lựa chọn hàng hóa tại siêu thị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Khách hàng lựa chọn hàng hóa tại siêu thị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ngày 4/11, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh công bố doanh nghiệp sẽ chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng hàng hóa cho hai tháng Tết Canh Tý 2020 là hơn 19.027 tỷ đồng, 3,27% so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Kỷ Hợi 2019; trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là gần 7.245 tỷ đồng.

Nhiều nhóm hàng tăng mạnh

Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, tổng nguồn vốn các ngân hàng tham gia Chương trình đăng ký hỗ trợ Doanh nghiệp vay thực hiện bình ổn thị trường là 19.650 tỷ đồng.

Đây cũng là kết quả mà thành phố tiếp tục thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách trong năm 2019.

Tổng số doanh nghiệp tham gia 4 Chương trình Bình ổn thị trường năm 2019 là 79 doanh nghiệp.

Với mục tiêu đảm bảo chuẩn bị nguồn hàng hóa cung ứng Tết Canh Tý 2020, Sở Công Thương phối hợp sở, ngành trên địa bàn làm việc với các doanh nghiệp, chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Trong tháng cao điểm phục vụ Tết từ ngày 26/12/2019 đến 24/1/2020 (từ ngày 1 đến ngày 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của doanh nghiệp chuẩn bị là 10.224,5 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.088,5 tỷ đồng.

Năm nay, lượng hàng chuẩn bị tăng từ 14,6 - 17,3% so kế hoạch Thành phố Hồ Chí Minh giao và tăng từ 21-28% so kết quả thực hiện Tết Kỷ Hợi 2019.

Mặt khác, nguồn hàng Tết phục vụ người tiêu dùng thành phố sẽ được tăng cường với việc tổ chức Hội nghị Kết nối cung-cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành năm 2019.

Cụ thể, tại hội nghị năm nay có quy mô gần 500 gian hàng và đã có 513 hợp đồng được ký kết giữa các nhà cung ứng và nhà phân phối của thành phố.

[Đảm bảo cung cầu hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên Đán 2020]

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 20-53,2% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm chiếm 53,2%, trứng gia cầm 48,6%, thực phẩm chế biến 28,1%, thịt gia súc 21%, dầu ăn 27,5, gạo 31,5%...

Thông qua Chương trình Hợp tác thương mại, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc với các địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn cho thành phố, gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang... nhằm nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất hàng hóa phục vụ Tết.

Còn lượng hàng hóa nhập chợ bình quân trên 9.000 tấn/ngày chủ yếu là các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản.

Dự kiến vào thời điểm cận Tết, lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000-16.000 tấn/ngày. Hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu từ ba nguồn chính là doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường, chiếm từ 30-40% thị phần.

Ngoài ra, chợ đầu mối (cung cấp các mặt hàng rau củ, quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60-70% thị phần. Còn doanh nghiệp khác chiếm từ 10-20% thị phần.

Đại diện một số chợ đầu mối cho biết, các thương nhân đã và đang xây dựng kế hoạch chuẩn bị Tết. Đơn cử, Ban quản lý chợ đẩy mạnh kiểm tra, theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập; tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ; nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ…

Song song đó, sở, ngành phối hợp cùng Ban quản lý chợ chủ động thực hiện thông tin, tuyên truyền đến thương nhân kinh doanh tại chợ Chương trình Bình ổn thị trường của thành phố.

Chủ động khâu phân phối

Tính đến nay, tổng số điểm bán của 4 Chương trình bình ổn thị trường của Thành phố Hồ Chí Minh là 10.983 điểm bán. Riêng Chương trình lương thực-thực phẩm có 4.209 điểm bán, gồm: 112 siêu thị - trung tâm thương mại; 554 cửa hàng tiện lợi; 938 điểm bán trong 122 chợ truyền thống, 2.605 điểm bán trong khu dân cư.

Hầu hết điểm bán được nhiều đơn vị ưu tiên mở tại quận ven, huyện ngoại thành, phục vụ công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất.

TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị hơn 19.000 tỷ đồng hàng hóa Tết ảnh 1Mua sắm hàng hóa tại siêu thị. (Ảnh: TTXVN)

Các chương trình cũng thực hiện bán hàng lưu động từ nay đến Tết, bình quân 130 chuyến hàng lưu động/tháng. Riêng 2 tháng cao điểm trước Tết thực hiện 350 chuyến.

Hoạt động bán hàng lưu động sẽ tập trung tại các quận ven-huyện ngoại thành, khu công nghiệp-khu chế xuất, khu lưu trú công nhân, ký túc xá, bệnh viện… phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn Tết.

Thống kê trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, thành phố hiện có 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại, 2.657 cửa hàng tiện lợi và trên 200 chợ.

Đại diện Sở Giao Thông Vận tải cho hay, sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương giải quyết cấp giấy phép lưu thông 24/24 cho xe tải doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường trong khâu vận chuyển, cung ứng hàng hóa kịp thời đến điểm bán.

Theo doanh nghiệp dự báo nhu cầu tiêu thụ mặt hàng bánh, mứt, kẹo, hạt đạt khoảng 10.000 tấn. Vì vậy, nhiều nhà sản xuất đưa ra thị trường những dòng sản phẩm dành riêng cho Tết với bao bì bắt mắt, mang đậm màu sắc, không khí Xuân. Đặc biệt, những dòng sản phẩm dùng làm quà biếu, tặng được nhà sản xuất chú trọng đầu tư.

Liên quan đến mặt hàng thịt lợn, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh giải pháp căn cơ là xây dựng chuỗi cung ứng khép kín, Sở Công Thương đang tập trung giải pháp ổn định thị trường từ nay đến Tết Canh Tý 2020 như theo dõi sát thị trường thịt lợn và thực phẩm thay thế (thịt gia cầm, thủy sản...).

Doanh nghiệp triển khai hiệu quả hàng bình ổn thị trường và xử lý kịp thời thông tin sai lệch về mặt hàng thịt lợn.

Trong trường hợp cần thiết, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xem xét phương án tăng cường nhập khẩu thịt lợn từ Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha, Bỉ, Canada...

Tuy nhiên, doanh nghiệp bình ổn thị trường đảm bảo đã có kế hoạch, phương án; tổng thời gian từ lúc đặt hàng đến cửa hàng bán lẻ dao động 45-60 ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.