TP Hồ Chí Minh có gần 1,5 triệu m2 nhà ở cho công nhân

Rính đến tháng Tám, tổng diện tích sàn nhà ở cho công nhân được đầu tư xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt gần 1,5 triệu m2, đáp ứng khoảng 461.200 chỗ ở cho công nhân.
TP Hồ Chí Minh có gần 1,5 triệu m2 nhà ở cho công nhân ảnh 1Một khu nhà ở cho công nhân. Ảnh minh họa. (Nguồn: Tuấn Anh/TTXVN)

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng Tám, tổng diện tích sàn nhà ở cho công nhân được đầu tư xây dựng trên địa bàn Thành phố đạt gần 1,5 triệu m2, đáp ứng khoảng 461.200 chỗ ở cho công nhân.

Trong diện tích trên, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng theo dự án được hơn 235.000m2 (15,76%), đáp ứng khoảng 40.400 chỗ ở (8,75%); các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà trọ được hơn 1,2 triệu m2 (84,24%); đáp ứng khoảng 420.800 chỗ ở (91,25%).

Cụ thể, về nhà ở công nhân do doanh nghiệp đầu tư xây dựng đã hoàn thành 31 dự án, với tổng diện tích sàn xây dựng là 235.083m2, đáp ứng 40.400 chỗ lưu trú cho công nhân. Thành phố đang triển khai đầu tư xây dựng 16 dự án tổng diện tích sàn xây dựng là hơn 1 triệu m2 (13.158 căn), đáp ứng 107.120 chỗ lưu trú cho công nhân.

Đối với hộ kinh doanh nhà trọ công nhân, qua thống kê sơ bộ, Thành phố có khoảng 19.500 hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà trọ cho công nhân, người lao động thuê với tổng diện tích sàn xây dựng là hơn 1,2 triệu m2, đáp ứng 420.800 chỗ, tập trung tại quận 2, 9, Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức; huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh.

Về giá thuê, giá thuê mức giá cho thuê nhà lưu trú công nhân được các doanh nghiệp tạm tính, trung bình từ 130.000-250.000đồng/người/tháng. Đối với nhà trọ do dân xây dựng, bình quân mỗi phòng có diện tích từ 16-18m2, (có thêm gác gỗ là 22-24m2) từ 800.000 đồng/phòng 4 người - 1 triệu đồng/phòng/6 người; có nơi diện tích lớn đến 35 m2, giá cho thuê đến 1,2 triệu đồng/phòng. Đối với các huyện ngoại thành như huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè có giá cho thuê thấp hơn, khoảng 600.000-700.000 đồng/phòng/4 người.

Về quỹ đất xây dựng nhà lưu trú công nhân cho giai đoạn tiếp theo, Thành phố đã có kế hoạch điều chỉnh quy hoạch tạo thêm 48ha đất để đầu tư xây dựng khoảng 144.000 chỗ ở công nhân. Đến nay, Thành phố đã xác định được hơn 32ha đất, trong đó năm 2010, Thành phố đã chấp thuận đưa trên 15/48ha vào quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân tại quận 2, 9, Thủ Đức, Bình Tân. Trong năm 2012-2013, đã xác định thêm trên 17ha tại quận Bình Tân (hơn 5ha) và huyện Bình Chánh (12ha). Như vậy, đến nay Thành phố đã xác định được hơn 32/48 ha đất, để đầu tư xây dựng nhà ở công nhân cho giai đoạn tiếp theo.

Trên địa bàn Thành phố, có 15 khu chế xuất và khu công nghiệp và một khu công nghệ cao đã đi vào hoạt động, với khoảng 256.268 lao động đang làm việc; theo tính toán hiện nay, có khoảng 70% số công nhân lao động trong khu chế xuất và khu công nghiệp đến từ các tỉnh và có khoảng 50% số công nhân này có nhu cầu thuê nhà ở (tương đương khoảng 100.000 công nhân).

Nhu cầu chỗ ở rất lớn trong khi đó hầu hết các khu công nghiệp đều thiếu nhà ở cho công nhân nên phần đông công nhân thường thuê nhà trọ bên ngoài để ở, dù điều kiện ăn ở, đi lại còn nhiều khó khăn. Do vậy, việc xây dựng nhà lưu trú công nhân nhằm nâng cao mức sống, đảm bảo các tiện ích công cộng, sinh hoạt văn hóa giải trí cơ bản là cần thiết.

Bên cạnh các chính sách ưu đãi của Chính phủ, Thành phố cũng đã chủ động ban hành một số cơ chế, giải pháp cụ thể như đối với doanh nghiệp đầu tư nhà ở công nhân theo dự án, Thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi suất không quá 70% của phần vốn (đầu tư xây dựng, công nghệ và thiết bị), với thời gian không quá bảy năm và tối đa 100 tỷ đồng cho một dự án.

Để khuyến khích và tạo điều kiện, Thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 18/2011/QĐ-UBND ngày 28/3/2011 về ban hành Quy chế cho vay đối với các hộ gia đình cá nhân xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà trọ cho công nhân thuê trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, với thời gian cho vay để sửa chữa nhà là bảy năm, mức vay tối đa là 1,5 tỷ đồng; xây dựng mới là 10 năm, mức vay tối đa là 2,5 tỷ đồng; mức lãi suất cho vay được tính bằng bình quân lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn dưới 12 tháng trả lãi sau (mức tối đa) của bốn ngân hàng thương mại trên địa bàn Tthành phố./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.