TP Hồ Chí Minh đề xuất đưa biến đổi khí hậu vào quản lý quy hoạch

Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, hiện việc lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào quản lý chuyên ngành còn chưa cao, việc phối hợp các sở ngành về ứng phó với biến đổi khí hậu còn lúng túng.
TP Hồ Chí Minh đề xuất đưa biến đổi khí hậu vào quản lý quy hoạch ảnh 1Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Để hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo sự phát triển đô thị bền vững, cân đối, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh vừa đề nghị Bộ Xây dựng sớm triển khai danh mục chương trình, dự án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2025 và hướng dẫn thực hiện để các tỉnh, thành có cơ sở tổ chức thực hiện.

Theo đại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay việc lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào quản lý chuyên ngành còn chưa cao, việc phối hợp các sở ngành thành phố thực hiện các nhiệm vụ để triển khai các quyết định của các bộ, ngành Trung ương liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu còn lúng túng. Trong khi đó, việc phối hợp chia sẻ thông tin liên ngành giữa các đơn vị còn nhiều hạn chế, chưa thúc đẩy tính kiên kết vùng, còn tư duy cục bộ trong quản lý và phát triển, tính linh hoạt, sáng tạo trong quy hoạch còn yếu.

[TP.HCM: Kiểm soát chặt quy hoạch đô thị trong chuyển huyện thành quận]

Ngoài ra Sở Quy hoạch và Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách phù hợp về nhà, đất đối với người dân trong khu vực quy hoạch theo hướng tạo sự công bằng, giảm độ vênh giữa người dân sống trong và ngoài khu vực quy hoạch; kiến nghị cơ quan Trung ương có quy định đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt không giống bất cứ địa phương nào trong việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch và xây dựng.

Về kết quả lập quy hoạch đô thị, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, hiện nay Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố đang tổ chức lập đồ án trên, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Hiện nay, thành phố đã phủ kín 100% quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 với 600 đồ án với tổng diện tích hơn 88.260ha.

Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố đã phối hợp với các quận huyện, thành phố Thủ Đức lập điều chỉnh quy hoạch phân khu; trong đó, điều chỉnh các khu vực quy hoạch đất sử dụng hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới chưa có kế hoạch thực hiện, thiếu tính khả thi, ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân thành quy hoạch đất dân cư hiện hữu, trình Ủy ban Nhân dân Thành phố xem xét, phê duyệt.

Bên cạnh đó, để giải quyết các vướng mắc, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân có nhà, quyền sử dụng đất trong các khu vực không phù hợp quy hoạch chức năng ở cho hộ gia đình cá nhân như đất công trình phúc lợi, công viên cây xanh, đường giao thông dự phóng… chưa có kế hoạch tổ chức thực hiện, Sở Quy hoạch và Kiến trúc cũng đã đề xuất trình Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét và chấp thuận quy mô xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu vực quy hoạch nói trên tối đa 3 tầng.

Về quy hoạch hệ thống sân golf, hiện nay sân golf GS Củ Chi, huyện Củ Chi đang điều chỉnh quy hoạch phân khu, giảm từ 200ha (36 lỗ) xuống còn 90ha (18 lỗ), sân golf sân bay Tân Sơn Nhất (đang hoạt động) đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đến năm 2030, vị trí sân golf sẽ không còn, thay vào đó sẽ bố trí ga hàng hóa, khu hàng, một phần cây xanh và hồ điều tiết.

Trong khi đó, sân golf thể thao nhà ở quận 2 (nay là thành phố Thủ Đức) đã chuyển đổi công năng, sân golf Sing Việt (huyện Bình Chánh) đang trong qua trình nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, sân golf xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung vào quy hoạch phát triển sân golf Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.