Trước tình hình dịch COVID-19 ngày càng phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các nước lân cận, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm ứng phó với nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập và lây lan trong cộng đồng.
Kích hoạt lại các biện pháp phòng dịch, hạn chế tập trung đông người
Nhận định mặc dù Thành phố đã trải qua 74 ngày không phát hiện ca mắc mới trong nước, nhưng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vẫn có thể xảy ra, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Ban Chỉ đạo các cấp kích hoạt lại toàn bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trên các lĩnh vực.
Ban Chỉ đạo các cấp duy trì chế độ báo cáo định kỳ hàng ngày; khuyến khích cán bộ, nhân viên không rời vị trí, ở lại Thành phố, góp phần phòng, chống dịch COVID-19.
“Chúng ta cần những biện pháp quyết liệt, nghiêm túc, nếu không chúng ta sẽ trả giá bằng những hậu quả khôn lường,” Chủ tịch Ủy ban Nhân nhân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
[TP.HCM: Xử phạt nghiêm khắc người không đeo khẩu trang nơi công cộng]
Ngay trong ngày 26/4, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố đã quyết định dừng hoạt động bắn pháo hoa trong dịp Lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5.
Quyết định này nhận được nhiều ý kiến đồng thuận từ người dân. Ông Nguyễn Hải Thuận (56 tuổi, ngụ tại thành phố Thủ Đức) chia sẻ: “Đây là quyết định đúng đắn và kịp thời của lãnh đạo Thành phố. Nếu có dịch bệnh thì chắc chắn sẽ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân.”
Đồng thời, lãnh đạo Thành phố cũng chỉ đạo tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết.
Riêng các chương trình được Ủy ban Nhân dân Thành phố cho phép tổ chức phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn... theo đúng quy định.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố cũng sẽ làm việc với Ủy ban bầu cử Thành phố về các phương án đảm bảo an toàn trong tổ chức hội nghị tiếp xúc, vận động cử tri; Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp vào 23/5.
Cũng trong ngày 26/4, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đã ban hành công văn yêu cầu các địa phương, sở, ngành tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình.”
Thành phố cũng yêu cầu lãnh đạo các cấp quyết liệt chỉ đạo thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, các khu vui chơi giải trí, tại các sự kiện có tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; đồng thời thực hiện xử phạt nghiêm các trường hợp không chấp hành đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp... cũng thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, cập nhật kết quả tự đánh giá trên hệ thống bản đồ chống dịch (Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19).
Lãnh đạo Thành phố giao ngành y tế cần kích hoạt ngay phương án truy vết, khoanh vùng, cách ly, không để dịch lây lan trên diện rộng khi có ca bệnh mới.
Việc cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội cần đảm bảo an toàn nhưng không làm đình trệ sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng bất lợi đến đời sống người dân.
Các đơn vị liên quan tiếp tục quản lý chặt chẽ việc nhập cảnh, cách ly, theo dõi y tế sau cách ly, đồng thời chuẩn bị điều kiện, phương án sẵn sàng tiếp nhận đối tượng nhập cảnh theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong số đó, chú ý công tác quản lý, giám sát chặt chẽ các cơ sở cách ly người nhập cảnh, phòng ngừa lây chéo và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Kiểm soát chặt nhập cảnh trái phép, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine
Nhận định Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn có nguy cơ xâm nhập dịch bệnh cao do tần suất giao thương, đi lại lớn, lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành siết chặt công tác kiểm soát người nhập cảnh trái phép trên địa bàn. Chỉ trong vòng một tháng qua, toàn thành phố đã phát hiện 108 người nhập cảnh trái phép và xử lý theo quy định.
Nhằm siết chặt hơn nữa công tác quản lý người nhập cảnh trái phép, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Công an Thành phố chủ động phối hợp với các tỉnh bạn để trao đổi, cung cấp thông tin về các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép về từ các tỉnh có đường biên giới, kịp thời thông tin và phối hợp chặt chẽ cùng Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường hoạt động rà soát, phát hiện nhanh các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Các đơn vị, địa phương xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp tổ chức, tiếp tay đưa người nhập cảnh trái phép vào Thành phố; tuyên truyền, vận động người dân chủ động khai báo, đưa người thân trình diện với chính quyền địa phương đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Liên quan đến vấn đề vaccine, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine cho các đối tượng ưu tiên theo quy định từ nguồn vaccine phân bổ của Bộ Y tế.
Lãnh đạo Thành phố cũng yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để vaccine bị quá hạn.
Từ ngày 8/3-19/4, ngành y tế Thành phố đã tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 cho 9.155 nhân viên tại 73 cơ sở y tế công lập và tư nhân.
Từ ngày 19/4, Thành phố tiếp nhận thêm 57.750 liều vaccine (gồm 56.250 liều cấp về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và 1.500 liều cấp cho Bệnh viện Chợ Rẫy).
Trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh thời gian qua, nhằm kiểm soát tốt, bảo vệ các cơ sở trọng yếu nhưng có nguy cơ cao phát sinh và lây nhiễm dịch COVID-19, Thành phố xác định tiếp tục tiêm vaccine cho toàn bộ nhân viên y tế có tiếp xúc nhiều người tại các cơ sở y tế, tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm trong đợt 1; đồng thời tiêm cho những nhân viên ở ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất có tiếp xúc trực tiếp với hành khách nhập cảnh hoặc bốc xếp hàng hóa.
Dự kiến, đến ngày 5/5, Thành phố sẽ hoàn thành công tác tiêm chủng đợt 2 theo kế hoạch mà Bộ Y tế yêu cầu.
Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Chính phủ cho phép Thành phố chủ động mua vaccine để tiêm cho người dân thành phố từ nguồn vận động, quyên góp và xã hội hóa.
Thành phố cũng sẽ ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen đẩy mạnh sản xuất vaccine nếu thử nghiệm thành công để tạo thêm nguồn vaccine đáp ứng nhu cầu của người dân.
Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 252 người mắc COVID-19, trong đó 225 trường hợp đã khỏi bệnh, 27 người đang được điều trị. Với những biện pháp quyết liệt từ những người đứng đầu chính quyền, người dân Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng thành phố sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng dịch an toàn, vừa phát triển kinh tế-xã hội./.