Liên quan đến quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Quyết định số 3030/QĐ-UBND phê duyệt đề án ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý), viễn thám trong quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn thành phố.
Mục tiêu của ứng dụng GIS là tạo sự liên thông, đồng bộ, thống nhất các dữ liệu, ứng dụng quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng, tạo thuận lợi cho việc quản lý đô thị của các sở, ngành, quận huyện.
Đồng thời, ứng dụng này cung cấp thông tin trực quan, kịp thời cho lãnh đạo thành phố, các sở ban ngành, quận huyện cũng như công khai thông tin về đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn cho người dân, doanh nghiệp.
[Cả nước mới chỉ có 13 tỉnh, thành phố hoàn thành kiểm kê đất đai]
Về nội dung cụ thể, đề án sẽ xây dựng kiến trúc tổng thể, chi tiết hệ thống GIS, viễn thám về quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng.
Đề án sẽ rà soát, bổ sung, cập nhật cơ sở dữ liệu, xây dựng ứng dụng quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng như đăng ký đất đai, kế hoạch sử dụng đất, đồ án quy hoạch chung thành phố, quận huyện, quy hoạch phân khu, dữ liệu nhà ở, công trình xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, giao dịch mua bán nhà ở…
Cùng với đó, ứng dụng GIS tích hợp, liên thông cơ sở dữ liệu đất đai, quy hoạch xây dựng; các công cụ trực quan hoá, phân tích, thống kê, công khai dữ liệu; xây dựng quy chế vận hành, liên thông, cập nhật dữ liệu và hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ứng dụng GIS, viễn thám phục vụ quản lý và phát triển đô thị bền vững.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, việc phê duyệt đề án ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám trong quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn thành phố là hết sức cần thiết vì thành phố là đô thị lớn của cả nước, có dân số đông nhất cả nước, tốc độ đô thị hóa nhanh, đang phải đối diện nhiều thách thức về quản lý cơ sở hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng.
Hiện nay, các đơn vị quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố đã từng bước ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám và bước đầu phát huy hiệu quả.
Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai chương trình xây dựng hệ thống thông tin quản lý ngành tài nguyên và môi trường; Sở Xây dựng triển khai chương trình xây dựng hệ thống thông tin quản lý xây dựng thành phố; Sở Quy hoạch Kiến trúc triển khai dự án ứng dụng hệ thống GIS trong việc công bố công khai thông tin quy hoạch.
Trong khi đó, Ủy ban Nhân dân các quận huyện cũng ứng dụng GIS trong quản lý tài nguyên, môi trường, xây dựng, cung cấp thông tin quy hoạch...
Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhưng theo Ủy ban Nhân dân thành phố, hiện nay cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý chuyên ngành chưa có sự liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu một cách đồng bộ, thống nhất trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, xây dựng.
Việc này đã gây không ít khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước của các sở, ngành, quận, huyện./.