Liên quan đến tình hình dịch bệnh bạch hầu ở xã Phú Thuận, huyện Đồng Phú, Bình Phước, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Thành phố Hồ Chí Minh cho biết bệnh viện mới tiếp nhận điều trị cho 4 bệnh nhân từ ổ dịch này chuyển về.
Trong số đó, 3 trường hợp mắc bệnh bạch hầu là cha con trong một gia đình và một trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh đang được theo dõi.
Bác sỹ Phan Tứ Quý, Trưởng khoa cấp cứu Hồi sức tích cực chống độc sơ sinh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong số các ca bệnh trên, có một trường hợp bệnh nhi bị rối loạn nhịp tim rất nặng và viêm cơ tim, phải đặt máy tạo nhịp, đồng thời viêm cơ tim có biểu hiện suy tim nên phải dùng thuốc hỗ trợ tim.
"Một trường hợp bệnh nhi khác cũng đang có dấu hiệu rối loạn nhịp tim nhưng biểu hiện nhẹ hơn. Riêng người cha hiện sức khỏe đã tương đối ổn định. Các trường hợp mắc bệnh hiện đang được cách ly điều trị và theo dõi diễn biến sức khỏe," bác sỹ Quý nói.
Thời gian điều trị bệnh tùy thuộc vào trường hợp bệnh có biến chứng hay không. Nếu bệnh nhân không có biến chứng thì thời gian theo dõi ở bệnh viện ít nhất là 2 tuần; sẽ kéo dài hơn cùng với nhiều xét nghiệm kiểm tra đối với trường hợp bệnh nặng như 2 bệnh nhân bị rối loạn nhịp, viêm cơ tim nêu trên.
Trước đó, các bệnh nhân này đã được nhập viện với các biểu hiện như sốt, viêm họng, khản tiếng, chán ăn.
Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, phân tích bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh có các biểu hiện như các bệnh viêm họng khác như: sốt, đau họng, lừ đừ, li bì, tuy nhiên có một yếu tố để phân biệt là bệnh có xuất hiện các mảng trắng trong họng, nổi hạch làm cổ to ra. Tiêm chủng là biện pháp phòng ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả nhất.
Cũng nhờ có vắcxin phòng bệnh mà nhiều năm nay Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh này, chỉ xuất hiện khu trú ở một số nơi như Quảng Nam, Bình Phước.
Để phòng chống bệnh bạch hầu hiệu quả, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm vắcxin phối hợp phòng bệnh bạch hầu như Quinvaxem hoặc vắcxin phòng ngừa bạch hầu-ho gà-uốn ván (DTP), vắcxin ngừa bạch hầu-ho gà (DT) đầy đủ, đúng lịch.
Người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, bệnh nhân cần phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời./.