​TP.HCM cập nhật quy trình 4 bước phát hiện, xử lý F0 tại cộng đồng

Khi phát hiện ca bệnh F0, trạm y tế phường, xã, thị trấn sẽ tiếp nhận danh sách F0 trên địa bàn; đánh giá tình trạng sức khỏe F0 để có phương án hỗ trợ xử trí; điều tra dịch tễ, thực hiện cách ly.
​TP.HCM cập nhật quy trình 4 bước phát hiện, xử lý F0 tại cộng đồng ảnh 1Lực lượng Quân y tại Trạm y tế lưu động số 1 (phường 6, quận Tân Bình) mang các đồ dùng cần thiết (bình oxy, máy đo nồng độ oxy, ống nghe, nhiệt kế, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang…) đến nhà F0. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản cập nhật hướng dẫn quy trình xử lý F0 tại cộng đồng gồm 4 bước.

Cụ thể, khi phát hiện ca bệnh F0, trạm y tế phường, xã, thị trấn (cấp xã) chịu trách nhiệm tiếp nhận danh sách F0 trên địa bàn từ nhiều nguồn khác nhau.

Trong trường hợp chưa đủ chứng cứ để xác nhận là F0, trạm y tế cấp xã, trạm y tế lưu động thực hiện lại xét nghiệm bằng test nhanh do Bộ Y tế cấp phép.

Đối với quá trình quản lý, chăm sóc F0, trạm y tế cấp xã, trạm y tế lưu động đánh giá tình trạng sức khỏe của F0. Đối với F0 có dấu hiệu suy hô hấp (thở nhanh hoặc khó thở hoặc Sp02 dưới 96%) thì gọi tổ phản ứng nhanh cấp xã, cấp huyện để được hỗ trợ xử trí cấp cứu và chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất.

Còn F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ thì cho cách ly, điều trị tại nhà (nếu đủ điều kiện) và cấp phát thuốc điều trị COVID-19 theo “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0” do Sở Y tế ban hành và phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

Ngoài ra, nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ nhưng không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì chuyển đến cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tùy theo tình trạng, mức độ bệnh và nguyện vọng của F0 hay gia đình.

Bên cạnh đó, cần điều tra dịch tễ, xác định F1 trong cùng hộ gia đình, trạm y tế cấp xã, trạm y tế lưu động điều tra dịch tễ, tiền sử tiêm vaccine phòng COVID-19 của tất cả người sống cùng nhà.

Sau đó, lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vaccine phòng COVID-19).

Tiếp đến, xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho tất cả các thành viên sống cùng nhà với F0.

Những trường hợp có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính sẽ được xác định là F0 và chăm sóc, quản lý như trên.

Trường hợp có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính, nếu thành viên trong hộ gia đình là F1 thì thực hiện cách ly y tế tại nhà theo quy định của Bộ Y tế.

[TP.HCM: Tập huấn an toàn tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi]

Trong suốt thời gian cách ly, các F1 không được tiếp xúc nhau và tiếp xúc người khác. Nếu thành viên trong hộ gia đình không phải là F1 thì hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe trong vòng 10 ngày; tổ chức tiêm chủng ngay cho người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 theo lứa tuổi; đặc biệt cần theo dõi sát những người thuộc nhóm nguy cơ.

Theo đó, ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm ban hành quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế và cấp giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly y tế đối với người được cách ly; tăng cường kiểm tra, giám sát sự tuân thủ cách ly y tế của các trường hợp F1.

Đồng thời, về điều tra dịch tễ, xác định các hộ gia đình có nguy cơ lây lan dịch bệnh, chỉ thực hiện khi xuất hiện F0 ở ít nhất 2 hộ liền kề hoặc 2 hộ có giao lưu tiếp xúc trong 3 ngày.

Xác định các hộ gia đình liền kề với hộ gia đình có F0 để điều tra dịch tễ, điều tra tiền sử tiêm vaccine phòng COVID-19, lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ, thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho tất cả người thuộc nhóm nguy cơ để tầm soát.

Trường hợp có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính thì được xác định là F0; qua đó cấp ngay thuốc kháng virus, hướng dẫn F0 sử dụng ngay và chăm sóc, quản lý theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế.

Trường hợp có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính, hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe; tổ chức tiêm chủng ngay cho đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 theo lứa tuổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục