TP.HCM chuẩn bị phương án phòng chống dịch bệnh MERS-CoV

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị các công tác sẵn sàng đối phó khi có dịch bệnh Viêm đường hô hấp cấp tính khu vực Trung Đông (MERS-CoV) xảy ra.
TP.HCM chuẩn bị phương án phòng chống dịch bệnh MERS-CoV ảnh 1Kiểm tra thân nhiệt tại cửa khẩu. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Trước tình hình dịch bệnh Viêm đường hô hấp cấp tính khu vực Trung Đông (MERS-CoV) đang diễn biến phức tạp tại một số quốc gia trên thế giới, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường việc giám sát bệnh dịch này ở các cửa khẩu quốc tế và chuẩn bị các công tác sẵn sàng đối phó khi có dịch xảy ra.

Tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng Sài Gòn... Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (trực thuộc Sở Y tế thành phố) sẽ sử dụng máy kiểm tra thân nhiệt từ xa nhằm phát hiện những người sốt cao.

Khi phát hiện trường hợp có triệu chứng nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp, lực lượng chức năng sẽ thực hiện ngay cách ly, khám sơ bộ, lấy mẫu xét nghiệm và quản lý đối với các trường hợp này theo quy định để hạn chế lây lan.

Các bệnh viện lớn của Thành phố Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ tăng cường việc phát hiện sớm các trường hợp mới mắc bệnh MERS-CoV để từ đó khống chế, không cho lây lan. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cũng tổ chức việc giám sát ở cộng đồng, phường xã, chuẩn bị các đội phòng chống dịch, trang bị đầy đủ hóa chất, máy móc.

Theo bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi có chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế thành phố đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ hoặc đến từ vùng dịch Mers-CoV. Đến nay, công tác truyền thông phòng bệnh, thu dung điều trị bệnh đã sẵn sàng.

Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế thành phố khuyến cáo những người mắc các bệnh như tiểu đường, phổi mãn tính, suy thận, suy giảm miễn dịch... cần có biện pháp phòng ngừa thích hợp khi đến thăm các trang trại, chuồng gia súc hoặc những nơi có lạc đà, trong đó lưu ý việc tránh tiếp xúc với lạc đà; tránh uống sữa tươi, ăn thức ăn mà có thể bị nhiễm dịch tiết động vật; giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng...

Tại hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh mùa Hè do Bộ Y tế tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu cũng cho biết, 75% ca bệnh nhiễm MERS-CoV ở các nước khu vực Trung Đông gần đây là lây nhiễm thứ phát do có sự lây từ người sang người qua tiếp xúc và là bệnh có tỷ lệ tử vong cao trong nhóm bệnh truyền nhiễm hiện nay. Phần lớn các ca bệnh đều có viêm phổi cấp tính nặng, sốt, ho và khó thở.

Tại Việt Nam, chưa ghi nhận có trường hợp mắc bệnh này. Tuy nhiên, bệnh dịch này chưa có vắcxin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, xuất hiện các trường hợp không có triệu chứng, dẫn đến khó kiểm soát và tăng khả năng lây lan trong cộng đồng. Bệnh có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam thông qua khách du lịch, người lao động, học tập tại các quốc gia có dịch trở về Việt Nam.

Hiện Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức quốc tế chủ động triển khai giám sát các tác nhân gây bệnh và có đủ khả năng xét nghiệm xác định các loại virus gây bệnh MERS-Cov./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục