Chiều 29/6, tại buổi họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết số ca mắc tay chân miệng đang có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Tình hình dịch bệnh nếu tiếp tục gia tăng, có hai loại thuốc có thể gặp khó khăn trong cung ứng giai đoạn tiếp theo.
Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong tuần qua (19-25/6), thành phố ghi nhận 779 ca tay chân miệng, tăng gấp đôi (116,2%) so với trung bình 4 tuần trước (360 ca); trong đó, số ca nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú đều tăng lần lượt là 1,8 lần và 2,8 lần.
Hầu hết các quận huyện trên địa bàn thành phố đều có số ca mắc tăng so với trung bình 4 tuần trước (21/22 quận huyện), trừ huyện Cần Giờ có số ca mắc không thay đổi. Tuy ghi nhận số ca tăng mạnh gần đây nhưng số ca mắc tích lũy đến tuần 25 vẫn thấp hơn 47,7% so với cùng kỳ năm 2022, là 3.736 ca.
Bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết theo phác đồ điều trị tay chân miệng do Bộ Y tế ban hành, hầu hết các thuốc cần cho nhu cầu điều trị tay chân miệng đang được đáp ứng đầy đủ. Tuy nhiên, hai loại thuốc có thể gặp khó khăn trong cung ứng giai đoạn tiếp theo nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục gia tăng.
[TP.HCM trước áp lực gia tăng số ca tay chân miệng và sốt xuất huyết]
Theo báo cáo của các đơn vị trên địa bàn, nguồn thuốc Immunoglobulin, Phenobarbital tiêm cho các trường hợp bệnh tay chân miệng phân độ nặng có thể gặp khó khăn trong thời gian tới, nếu dịch bệnh tay chân miệng kéo dài.
Trong đó, thuốc tiêm Phenobarbital 100mg/ml là một trong các thuốc chống co giật, bên cạnh các thuốc khác hiện có trên thị trường như Diazepam, Midazolam, phenobarbital (uống)….
Phenobarbital 100mg/ml là thuốc phải kiểm soát đặc biệt, có ít nhà cung ứng trên toàn quốc. Hiện tại, Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 cung ứng cho các đơn vị trên địa bàn thành phố theo đơn hàng nhập khẩu.
Theo thông tin phản hồi từ phía Công ty này, đơn hàng nhập khẩu đã được Cục Quản lý dược phê duyệt và dự kiến đầu tháng 7/2023 sẽ có đợt hàng tiếp theo cung ứng thuốc cho các đơn vị.
Thuốc Immunoglobulin hiện có trên thị trường. Tuy nhiên, nguồn cung hạn chế. Đây là tình hình khó khăn chung trên toàn quốc và trên thế giới. Immunoglobulin là thuốc chế phẩm sinh học có ít nhà cung ứng. Hiện Việt Nam chưa sản xuất được, chủ yếu sử dụng nguồn thuốc nhập khẩu.
Đại diện Sở Y tế thành phố cho biết: “Hiện tại, các đơn vị trúng thầu thuốc trên địa bàn thành phố đang tiếp tục thúc đẩy các thủ tục liên quan, phối hợp nhà cung ứng để thực hiện cung ứng thuốc. Đồng thời, Cục Quản lý Dược đã ban hành nhiều công văn hướng dẫn, yêu cầu đảm bảo cung ứng thuốc điều trị. Trong đó, Cục đề nghị các đơn vị tiếp tục theo dõi, đặt hàng các đơn vị nhập khẩu thuốc để đáp ứng theo nhu cầu điều trị thực tế”
Sở Y tế và các đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận điều trị bệnh nhân tay chân miệng từ các tỉnh phía Nam như Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đang tích cực hoàn tất mua sắm đối với thuốc Immunoglobulin từ nguồn thuốc nhập khẩu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dược phẩm Duy Anh vừa được Cục Quản lý Dược và Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế hỗ trợ thúc đẩy tiến độ kiểm định.
Nguy cơ thiếu thuốc điều trị tay chân miệng đã được Sở Y tế thành phố báo cáo lên Bộ Y tế.
Tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra vào tuần trước, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Bệnh viện Nhi đồng 1 phối hợp xây dựng hướng dẫn, tổ chức nghiên cứu để có thể có thuốc mới, thuốc thay thế sẵn có, các biện pháp điều trị mới…
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, ngay từ tháng 12/2022, Bộ đã có công văn đề nghị các Sở Y tế tỉnh, thành dự trù số lượng thuốc để tránh bị động, dù việc dự kiến là rất khó. Trong trường hợp thuốc hiếm, chưa có số lưu hành, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị tìm kiếm nhà cung ứng, làm hồ sơ cấp phép…/.