TP.HCM phát triển dự án nhà ở gắn với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ

UBND TP.HCM vừa xây dựng, trình Hội đồng Nhân dân Chương trình phát triển nhà ở với nhiều nội dung mới, mang tính đột phá; trong đó có phát triển dự án nhà ở gắn với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
(Ảnh minh họa: Quách Lắm/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những thị trường bất động sản sôi động nhất cả nước, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả chính sách về nhà ở.

Tuy nhiên do buông lỏng quản lý, nhiều nơi hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đảm bảo nhưng vẫn “mọc” lên nhiều dự án chung cư cao tầng, gây áp lực lên giao thông đô thị cũng như hình thành nên các khu dân cư nhếch nhác, không đồng bộ.

Đặc biệt tại khu vực nội đô, có mật độ dân cư cao, đường sá chật hẹp nhưng nhiều dự án nhà ở cao tầng vẫn được cấp phép, phá vỡ chỉ tiêu quy hoạch dân số và cảnh quan đô thị.

Trước thực trạng này, nhằm cụ thể hóa chương trình đột phá về chỉnh trang đô thị, khắc phục hạn chế trong việc phát triển nhà ở trên địa bàn, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa xây dựng và trình Hội đồng Nhân dân thành phố Chương trình phát triển nhà ở với nhiều nội dung mới, mang tính đột phá.

[TP.HCM: Bức xúc chuyện quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường]

Thành phố xác định, việc phát triển nhà ở phải đảm bảo đồng bộ và thống nhất với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Việc chuyển đổi mô hình nhà ở từ thấp tầng sang nhà ở cao tầng hiện đại là chủ yếu để sử dụng đất hiệu quả, tạo quỹ đất phát triển giao thông, công viên, chỗ đậu xe.

Theo đó, tỷ lệ nhà ở chung cư chiếm 90% trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới.

Thành phố sẽ triệt để thực hiện nguyên tắc chấp thuận đầu tư phát triển dự án nhà ở phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo phát triển đồng bộ và thống nhất tại từng khu vực dự kiến phát triển nhà ở; từng bước chuyển đổi mô hình nhà ở thấp tầng sang nhà ở cao tầng.

Trước mắt đến năm 2020, các quận huyện tổ chức đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư, ưu tiên triển khai dự án nhà ở chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn nằm trên 6 quận nội thành (các quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân) theo quy hoạch để thay thế các khu vực nhà ở cũ, xuống cấp.

Đặc biệt, thành phố sẽ quản lý chặt việc sang nhượng đất đai, nhà ở, công khai hệ thống thông tin bất động sản nhà ở, minh bạch các dự án nhà ở để người có nhu cầu nắm bắt thông tin.

Triển khai các dự án phát triển nhà ở theo hướng phát triển đô thị đa trung tâm với trung tâm hành chính tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp thành phố tại 4 hướng phát triển (hai hướng chính Đông và Nam, hướng Tây-Bắc và hướng Tây, Tây-Nam).

Ngoài ra, khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội, góp phần hạn chế việc xây dựng nhà không phép, trái phép ở khu vực ngoại thành. Các dự án này sẽ được vay vốn ưu đãi hoặc vay vốn hỗ trợ kích cầu của thành phố.

Dự án tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm chuyển sang thành dự án nhà ở thương mại. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố, đến năm 2020, thành phố phấn đấu chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,8m2/người, đến năm 2025 là 22,8 m2/người. Dự báo giai đoạn 2016-2020, thành phố cần hơn 39 triệu m2 sàn nhà ở tăng thêm, còn giai đoạn 2021-2025 cần tới gần 46 triệu m2 sàn. Nhu cầu đất tăng thêm trên địa bàn thành phố đến năm 2020 là 1.504ha còn đến năm 2025 là 1.704 ha.

Đối với loại hình nhà ở, đến năm 2020 thành phố cần phát triển nhà ở thấp tầng (nhà ở trong các dự án và nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình) với khoảng 32 triệu m2 sàn và gần 7 triệu m2 sàn chung cư cao tầng.

Riêng nhà ở xã hội, dự kiến đến năm 2025 thành phố cần 20 triệu m2 sàn. Muốn vậy, thành phố cần huy động hơn 316.000 tỷ đồng vốn đầu tư, còn đến năm 2025 cần khoảng 370.000 tỷ đồng.

Về giải pháp thực hiện, tại khu vực trung tâm hiện hữu (quận 1, quận 3) sẽ ưu tiên dự án cải tạo, xây mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975; không phát triển dự án mới đầu tư nhà ở cao tầng đến năm 2020.

Khu vực 11 quận nội thành hiện hữu (các quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh) sẽ tập trung chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo hướng hiện đại; hoàn thiện dự án cải tạo, xây mới thay thế các chung cư cũ trước 1975, hạn chế thực hiện các dự án nhà ở cao tầng nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo.

Đối với khu vực 5 huyện ngoại thành (các chuyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) ưu tiên phát triển các dự án tại thị trấn, khu dân cư nông thôn, ưu tiên phát triển các khu du lịch kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, không phát triển các dự án mới tại khu vực chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật tương ứng.

Tại khu vực này, thành phố khuyến khích hình thành các khu dân cư mới để giãn dân nội thành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục