TP.HCM: Phòng khám bác sĩ gia đình giúp giảm tải bệnh viện

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 20/23 bệnh viện quận, huyện đã thành lập phòng khám bác sĩ gia đình, góp phần giảm tải hiệu quả cho các bệnh viện tuyến trên.
TP.HCM: Phòng khám bác sĩ gia đình giúp giảm tải bệnh viện ảnh 1Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã có 136/319 trạm y tế phường, xã thành lập 1 phòng khám bác sĩ gia đình với cơ cấu từ 1 bàn khám. (Ảnh: P.V)

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 20/23 bệnh viện quận, huyện đã thành lập phòng khám bác sĩ gia đình, góp phần giảm tải hiệu quả cho các bệnh viện tuyến trên. Theo đó, mỗi phòng khám bác sĩ gia đình đều thuộc Khoa Khám bệnh của bệnh viện với cơ cấu từ 1 đến 4 bàn khám do các bác sĩ đã được đào tạo chuyên môn về y học gia đình phụ trách.

Ở các bệnh viện có khu vực riêng biệt dành cho phòng khám bác sĩ gia đình với quy trình khép kín từ khám chữa bệnh, thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và thu phí (tại Bệnh viện Quận 10) hoặc lồng ghép trong khoa khám bệnh của bệnh viện (các bệnh viện khác).

Bên cạnh đó, đã có 136/319 trạm y tế phường, xã thành lập 1 phòng khám bác sĩ gia đình với cơ cấu từ 1 bàn khám. Như vậy đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 43% số trạm y tế phường, xã đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là nhân sự để thành lập phòng khám bác sĩ gia đình.

Đa số các trạm y tế phường, xã thực hiện phòng khám bác sĩ gia đình theo mô hình khám chữa bệnh bác sĩ gia đình, đồng thời lồng ghép thực hiện các hoạt động y tế khác của trạm nên đã nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các trạm y tế phường xã, thu hút được bệnh nhân đến khám chữa bệnh ngày một đông hơn. Tuy nhiên, hiện nay, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Thành phố Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn thí điểm, còn nhiều vấn đề cần phải đánh giá, rút kinh nghiệm, trong đó chủ yếu tập trung tại phòng khám của các trạm y tế phường, xã (như năng lực chuyên môn của nhân viên trạm y tế, điều kiện về kỹ thuật, máy móc cho chẩn đoán ban đầu còn thiếu…).

Vì vậy, trong thời gian tới Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung nâng cao năng lực khám chữa bệnh của nhân viên trạm y tế phường, xã cho phù hợp với yêu cầu của mô hình, đồng thời bổ sung nguồn nhân sự để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh tại phòng khám bác sĩ gia đình.

Bên cạnh đó, ngành Y tế thành phố sẽ tăng số lượng danh mục thuốc bảo hiểm y tế cho các trung tâm y tế phường, xã; tiếp tục đầu tư và trang bị máy móc kỹ thuật, con người để thực hiện nhiều kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng.

Song song với nỗ lực của các địa phương, Bộ Y tế cần sớm ban hành và hướng dẫn các quy trình, quy chế về phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp với đặc thù của hệ thống phòng khám bác sĩ gia đình… Đặc biệt, cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò, lợi ích về mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời để người dân nắm rõ, từ đó thu hút họ đến khám chữa bệnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục