TP.HCM thu 37.000 tỷ đồng từ đấu giá 4 lô đất trong KĐT mới Thủ Thiêm

Hình thức sử dụng của 4 lô này là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng là 50 năm, tính từ thời điểm có hiệu lực của quyết định công nhận kết quả đấu giá.
TP.HCM thu 37.000 tỷ đồng từ đấu giá 4 lô đất trong KĐT mới Thủ Thiêm ảnh 1Khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)

Chiều 10/12, Trung tâm đấu giá tài sản Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết đã hoàn tất 4 phiên đấu giá 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, qua đó thu về tổng cộng 37.346 tỷ đồng cho ngân sách thành phố. 

Các lô đất này do Trung tâm phát triển quỹ đất Thành phố Hồ Chí Minh đại diện sở hữu.

Cụ thể, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt trúng đấu giá lô đất lý hiệu 3-12 với giá 24.500 tỷ đồng. Lô đất này có diện tích 10.059,7m2, giá khởi điểm hơn 2.942 tỷ đồng.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư và kinh doanh nhà thương mại Bình Minh trúng đấu giá lô đất 3-9 với giá 5.026 tỷ đồng. Lô đất này có diện tích 5.009,1m2 với giá khởi điểm hơn 728 tỷ đồng. 

Trước đó, vào buổi sáng cùng ngày, Công ty cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất 3-5 với giá 3.820 tỷ đồng và Công ty cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất 3-8 với giá 4.000 tỷ đồng.

[Thành phố Hồ Chí Minh kiên quyết thu hồi và bán đấu giá đất công]

Tổng cộng qua đấu giá, 4 lô đất đã mang về khoản ngân sách 37.346 tỷ đồng cho Thành phố Hồ Chí Minh. 

Tham gia đợt đấu giá lần này có nhiều doanh nghiệp lớn, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản như Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư kinh doanh nhà Gia Định, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại du lịch Ngọc Lâm, Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Đồng Tiến, Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát đạt, Công ty cổ phần Tập đoàn địa ốc Cát tường, Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư Bắc Thủ Thiêm...

Theo quy hoạch, mục đích sử dụng của lô đất 3-5, 3-8, 3-9 là đất ở tại đô thị (khu nhà ở chung cư hỗn hợp có bố trí kết hợp chức năng thương mại dịch vụ). Riêng lô đất 3-12 có mục đích sử dụng là đất ở tại đô thị nhưng không có bố trí kết hợp chức năng thương mại dịch vụ.

Hình thức sử dụng đất của 4 lô nói trên là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng là 50 năm, tính từ thời điểm có hiệu lực của quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất. Người mua nhà ở gắn liền với đất quyền sử dụng đất sẽ được sử dụng đất ổn định lâu dài. 

Trước đó, tại Thông báo 1041/TB-TTCP, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm; trong đó, có việc đầu tư các dự án BT thanh toán bằng quã đất không qua đấu giá, xác định tiền sử dụng đất tại một số lô đất chỉ với giá 26 triệu đồng/m2 không đúng quy định, cần xác định lại để tránh thiệt hại cho ngân sách nhà nước. 

Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi và hoàn trả ngay các khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách Nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm tính đến ngày 30/9/2018 là 26.315 tỷ đồng.

Ủy ban Nhân dân Thành phố nghiên cứu các phương án khai thác quỹ đất còn lại trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tính lại tiền sử dụng đất của các dự án đã giao cho nhà đầu tư, đảm bảo không thất thoát tài sản nhà nước.

Cùng với đó, Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu, trong quá trình xử lý về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12/2019 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. 

Tính đến nay, 2 năm sau khi có Thông báo 1041/TB-TTCP, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang tìm phương án để khắc phục hậu quả kinh tế; trong đó có việc tổ chức đấu giá các khu đất còn lại của Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Việc tổ chức bán đấu giá 4 lô đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào ngày 10/12 chính là một trong giải pháp nhằm thực hiện nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.