TP.HCM ưu tiên dự án giao thông kết nối tạo động lực phát triển vùng

Việc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách kết nối vùng giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương tạo động lực thúc đẩy phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
TP.HCM ưu tiên dự án giao thông kết nối tạo động lực phát triển vùng ảnh 1Đoạn tuyến đường cao tốc Long Thành-Dầu Giây. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng trong hệ thống kết nối giao thông vận tải trong vùng, phục vụ nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa của toàn vùng Nam Bộ đi các vùng, miền khác trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, những khó khăn về nguồn vốn đầu tư, cơ chế chính sách đã gây trở ngại cho sự phát triển hạ tầng giao thông. Các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, liên kết vùng chưa thể hoàn thành đầu tư theo quy hoạch.

Theo quy hoạch, kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng có 5 trục đường bộ gồm quốc lộ, cao tốc song hành và 3 tuyến vành đai.

Thế nhưng, ngoài trục Quốc lộ 1 được đầu tư cơ bản, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây hoàn thành giai đoạn 1, cao tốc Bến Lức-Long Thành đang được đầu tư thì các trục kết nối còn lại chưa được nâng cấp, mở rộng.

Các dự án đường cao tốc song hành đều chậm triển khai; các tuyến vành đai chưa khép kín. Đặc biệt, Vành đai 3 với vai trò giảm tải lưu lượng di chuyển xuyên qua khu vực trung tâm và hỗ trợ kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ chưa được đầu tư, đang gây ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ và trục kết nối.

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, việc rà soát, đánh giá thực trạng, kết quả đầu tư hạ tầng giao thông liên vùng theo quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng. Điều này giúp nghiên cứu các giải pháp mang tính đột phá để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách kết nối vùng.

Đặc biệt, qua đó từng bước hình thành hệ thống tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, có tính kết nối cao, tạo tiền đề phát triển kinh tế xã hội của thành phố và cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

[Năm 2022, TP Hồ Chí Minh dự kiến khai thác 20 công trình trọng điểm]

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua, ngành giao thông đã tập trung tham mưu, báo cáo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải thông qua chủ trương đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành; Vành đai 3, Vành đai 4...

Ngoài ra, Sở cũng đã rà soát, đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 để sớm triển khai thực hiện; đề xuất cơ chế, chính sách và kế hoạch huy động các nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách và xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).

TP.HCM ưu tiên dự án giao thông kết nối tạo động lực phát triển vùng ảnh 2Công nhân thảm bêtông nhựa đường. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Để kết nối vùng được thuận lợi, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác đường cao tốc Bến Lức-Long Thành; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu đầu tư đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây giai đoạn 2, tuyến đường sắt Sài Gòn-Cần Thơ.

Mặt khác, đề nghị Chính phủ chấp thuận việc hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương cho dự án đầu tư đường Vành đai 3 và chấp thuận các cơ chế chính sách đặc thù, đột phá để triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách...

Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2022, ngành giao thông thành phố đặt mục tiêu hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình cấp thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, Vành đai 2, Vành đai 3. 

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách, kết nối vùng khác như Vành đai 4; cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành; các dự án nạo vét đảm bảo khai thác hiệu quả các tuyến đường thủy nội địa...

Tại buổi triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Sở Giao thông Vận tải vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình đề nghị, năm 2022 ngành giao thông cần nỗ lực 200% để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ bởi đã bị chậm trễ 2 năm do dịch bệnh COVID-19; trong đó, tập trung, tăng cường chỉ đạo các hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng.

Theo ông Lê Hòa Bình, ngành giao thông thành phố cần chủ động, phối hợp tốt với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để đề xuất cơ chế, chính sách đầu tư các dự án trọng điểm kết nối vùng như vành đai, cao tốc.

“Đầu tư những đường cao tốc thế này phải gắn với tầm nhìn xa hơn. Với tốc độ chúng ta đang điều chỉnh quy hoạch thành phố, dân số tăng hơn, nếu không suy nghĩ đến phát triển giao thông mang tính dài hạn thì sẽ rơi vào cảnh cứ thế ùn tắc giao thông,” ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh.

Hiện Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm, kết nối vùng trên cơ sở tình hình phát triển giao thông vận tải theo quy hoạch đã phê duyệt và số liệu dự báo nhu cầu vận tải trong các giai đoạn tiếp theo.

Đặc biệt, đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng kết nối các đô thị vệ tinh liên vùng. Ưu tiên, huy động đa dạng nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng có vai trò động lực, lan toả, liên kết vùng, kết nối Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ với Thành phố Hồ Chí Minh và hệ thống giao thông quốc gia.

Với tiềm năng về nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, du lịch... sẵn có, việc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách kết nối vùng giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn về hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục