Ngày 16/8, tại Hội An, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Trùng tu Chùa Cầu - Quan điểm và giải pháp" với sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý Việt Nam và Nhật Bản.
Tại hội thảo, các nhà khoa học Nhật Bản và Việt Nam đã trình bày 12 tham luận tập trung vào 2 nhóm vấn đề chung gồm: đánh giá về giá trị lịch sử-văn hóa và tình trạng kỹ thuật, kết cấu địa tầng-kiến trúc của di tích Chùa Cầu; quan điểm và giải pháp kỹ thuật về trùng tu, tôn tạo di tích, từ đó đưa ra các giải pháp tu bổ phù hợp nhằm bảo tồn tính chân xác và phát huy bền vững các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của di tích gắn liền với phát triển kinh tế-xã hội, du lịch của thành phố Hội An.
Chùa Cầu hay còn gọi là Cầu Nhật Bản, Lai Viễn Kiều, được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1990, là biểu tượng của phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới.
Dựa vào văn bia và truyền khẩu, Chùa Cầu được xây dựng muộn nhất là vào đầu thế kỷ XVII.
Chùa Cầu trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách mỗi khi đến Hội An. Đây vừa là công trình giao thông, vừa là công trình tín ngưỡng, di tích lịch sử, văn hóa, là biểu tượng của sự giao lưu văn hóa lâu đời giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Chùa Cầu được trùng tu nhiều lần với nhiều hạng mục khác nhau đã góp phần chống xuống cấp cho di tích. Tuy nhiên, hiện nay, Chùa Cầu đang đứng trước nguy cơ xuống cấp với áp lực ngày càng nặng hơn bởi sự tác động của nhiều yếu tố như sự tác động của tự nhiên làm cho các mố cầu, trụ cầu bị nứt, nhiều cột, vì kèo có dấu hiệu hư hỏng, mục rỗng.
Thêm vào đó, chùa Cầu nằm ngay ở vùng rốn lũ của thành phố Hội An nên tạo ra áp lực mất an toàn ngày càng nghiêm trọng hơn.../.