Tranh cãi về Trung tâm thương mại Chợ Mơ: Chưa hồi kết

VPCapital cho rằng Công ty cổ phần phát triển thương mại Vinaconex bàn giao Trung tâm thương mại Chợ Mơ muộn so với tiến độ.
Tranh cãi về Trung tâm thương mại Chợ Mơ: Chưa hồi kết ảnh 1Phối cảnh Trung tâm thương mại Chợ Mơ. (Nguồn: Vinaconex)

Ngày 9/12, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Tư nhân Vina (VPCapital) tổ chức họp báo công bố việc việc ký kết hợp đồng nhận chuyển nhượng mặt bằng khu Trung tâm thương mại Chợ Mơ do Công ty cổ phần phát triển thương mại Vinaconex (VCTD) làm chủ đầu tư.

Theo thông tin phía VPCapital, đơn vị này đã nhận chuyển nhượng diện tích mặt sàn khu Trung tâm thương mại Chợ Mơ từ tầng 1 đến tầng 5 và tầng 5A theo hợp đồng số 33.


Tổng diện tích nhận chuyển nhượng tạm tính là 21.122m2 và VPCapital đã chuyển cho phía VCTD tổng số tiền hơn 419,5 tỷ đồng, tương đương 70% giá trị hợp đồng được hai bên ký kết. Tuy nhiên, hiện dự án đang xảy ra vướng mắc giữa bên mua là VPCapital và bên bán VCTD.

Tại cuộc họp báo, phía VPCapital cho rằng phía VCTD bàn giao Trung tâm thương mại muộn so với tiến độ và có một số điều khoản chưa đúng theo hợp đồng nên họ chưa thể nhận bàn giao.

Các lỗi được VPCapital chỉ ra là còn sai sót trong thi công, chưa đủ điều kiện vận hành, thang máy không được lắp đặt xuống tới tầng hầm... VPCapital cho biết các “khiếm khuyết” này khiến khách hàng đầu tư của họ chịu nhiều chi phí phát sinh.

Trong cuộc họp báo diễn ra sáng 9/12 không có sự tham gia của chủ đầu tư VCTD. Tuy nhiên, khi làm việc với báo chí chiều cùng ngày, lãnh đạo VCTD đã chia sẻ thiết kế dự án cùng một số văn bản pháp lý liên quan. Hiện quan điểm của cả hai bên là tiếp tục đàm phán để có thể nhanh chóng đưa đưa ra giải pháp xử lý phù hợp. 

Hai bên cho biết, cả hai công ty đều đã thuê các luật sư đại diện đơn vị mình để giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến nội dung được ký kết tại hợp đồng giữa hai bên.

Đáng chú ý, khách hàng của VPCapital là Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư trung tâm thương mại Vina - nhà đầu tư thứ phát của dự án này đã có công văn viện dẫn hàng loạt lý do và đề nghị VPCapital giảm số tiền 4 triệu USD và hỗ trợ lãi suất khoản tiền mà đơn vị này chậm thanh toán cho VPCapital đối với khoảng thời gian giao chậm Trung tâm thương mại.

Như vậy, bản chất của vấn đề là sau khi nhận chuyển nhượng của chủ đầu tư VCTD, VPCapital cũng đã chuyển nhượng lại dự án cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư trung tâm thương mại Vina.

Hiện nay, trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, nhiều vụ tranh cãi, “tố” lẫn nhau giữa chủ đầu tư và khách hàng đã xảy ra. 

Nếu giai đoạn “hoàng kim”, việc mua được dự án coi như thành công của các nhà đầu tư thì khi thị trường xảy ra mất thanh khoản, rất nhiều trường hợp khách hàng quay lại ép chủ đầu tư giảm giá.

Đây cũng là bài học và hệ lụy của việc phát triển nóng của thị trường bất động sản trong giai đoạn trước./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.