Ngày 13/6, ông Nguyễn Văn Sửu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai cho biết, Hội đồng Tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến nặng sau tiêm chủng của tỉnh Lào Cai đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân tử vong của cháu G.T.M (3 tháng tuổi dân tộc Mông, ở thôn Mường Lum, xã La Pan Tẩn, Mường Khương, tỉnh Lào Cai).
Kết quả, trẻ tử vong loại trừ nguyên nhân do vắcxin.
Như tin TTXVN đã đưa, ngày 6/6/2019, cháu G.T.M tử vong sau 3 ngày tiêm vắcxin ComBE Five tại Trạm Y tế xã La Pan Tẩn.
Trước đó, ngày 3/6/2019, cháu G.T.M đã được sử dụng hai loại là vắcxin ComBE Five và vắcxin uống bOPV, đây là vắcxin được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng được kiểm định và cấp phép sử dụng của Viện Kiểm định Quốc gia Vắcxin và Sinh phẩm (Bộ Y tế).
Trong đó, vắcxin ComBE Five có số lô 220111018A, hạn sử dụng đến ngày 30/3/2021 được sản xuất bởi Công ty Biological E. Limited (Ấn Độ), vắcxin bOPV số lô bP-1218, hạn sử dụng đến ngày 13/5/2020 do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất Vắcxin và Sinh phẩm y tế sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Sửu cho biết, quá trình tiếp nhận, cung ứng, bảo quản và theo dõi vắcxin ở nhiệt độ chuẩn quy định và sử dụng cho đúng đối tượng. Trạm Y tế xã La Pan Tẩn tổ chức điểm tiêm an toàn đúng quy định của Bộ Y tế, cán bộ y tế xã La Pan Tẩn thực hiện đúng quy trình tiêm chủng.
Cháu G.T.M có thể chất bình thường, không ốm đau, chưa đi bệnh viện chữa bệnh lần nào. 16 trẻ được tiêm cùng lô vắcxin với cháu M sức khỏe đều ổn định.
Về công tác cấp cứu, cháu G.T.M có diễn biến xấu sau khi tiêm chủng khoảng 10 tiếng. Theo kết quả theo dõi, đánh giá, xét nghiệm và điều trị tại chỗ của Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Lào Cai, trong kết quả xét nghiệm máu của cháu G.T.M có biểu hiện nhiễm trùng máu nặng, kết quả phim chụp X-quang có vết mờ ở phổi.
Căn cứ vào các yếu tố trên, các cơ quan chức năng đưa ra kết luận cháu G.T.M tử vong không liên quan đến tiêm chủng, vì nếu vắcxin không đảm bảo thì cả 16 cháu còn lại sẽ có vấn đề trong quá trình tổ chức tiêm chủng.
Căn cứ vào xét nghiệm, do cháu G.T.M quá nhỏ (chỉ 3 tháng tuổi), ở vùng cao, chưa có cơ hội, điều kiện khám, chăm sóc và theo dõi ốm đau, trong khi cán bộ trạm y tế xã khám sàng lọc chỉ tiếp xúc với cháu trong thời gian ngắn (từ 5-10 phút khám sàng lọc) bằng những dụng cụ khám thông thường như tai nghe, nhiệt kế nên rất khó để phát hiện bệnh nền.
Bởi vậy, sau tiêm vắcxin, phản ứng phòng vệ của cơ thể trẻ khi tiếp nhận kháng nguyên lạ (vắcxin), cộng hưởng phản ứng của cơ thể khi có bệnh nền dẫn đến diễn biến xấu của sức khỏe và tử vong.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Sửu, Lào Cai là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức tiêm chủng. Để tổ chức tiêm chủng đạt kết quả theo chỉ tiêu kế hoạch, ngoài 164 trạm y tế xã, cán bộ y tế Lào Cai phải tổ chức gần 1.000 điểm tiêm ngoài trạm. La Pan Tẩn là một trong những xã khó khăn của huyện vùng cao Mường Khương.
Tại La Pan Tẩn có trên 3.000 hộ, dân cư sống rải rác. Trạm Y tế xã La Pan Tẩn tổ chức 7 điểm tiêm, trong đó có 1 điểm tiêm cố định tại trạm và 6 điểm tiêm tại các vùng dân cư.
Địa bàn rộng, giao thông khó khăn cộng với các tai biến trong tiêm chủng cũng như công tác thực hiện nhiệm vụ tiêm chủng theo quy trình ngặt nghèo (về bảo quản vắcxin an toàn tổ chức điểm tiêm an toàn) là thách thức rất lớn của ngành Y tế Lào Cai cần sự chia sẻ và phối hợp lớn của các cấp các ngành có liên quan.
5 bệnh được phòng ngừa nhờ vắcxin ComBe Five (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hip) là những bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em, lây truyền qua nhiều nguyên nhân.
Theo các chuyên gia y tế, tại Lào Cai, điều kiện thời tiết ẩm, lạnh, các vấn đề như dân trí, phong tục tập quán, vệ sinh môi trường, ăn uống không đảm bảo vệ sinh là yếu tố thuận lợi cho lây truyền các bệnh trên.
Người dân cần có niềm tin vào chương trình tiêm chủng mở rộng và các loại vắcxin đã được ngành y tế kiểm chứng, trong đó có vắcxin ComBE Five./.