Ở Việt Nam, theo điều tra hút thuốc ở người trưởng thành năm 2015, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 45,3%, nữ giới là 1,2%. Trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành có 1 người hút thuốc.
Hiện nay, có 15,6 triệu người Việt Nam trên 15 tuổi hút thuốc lá, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về số người hút thuốc cao.
[Người dân Việt Nam chi 31.000 tỷ đồng mua thuốc lá mỗi năm]
Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám-chữa bệnh (Bộ Y tế) đã cho biết như vậy trong hội thảo cập nhật thông tin về tình hình thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và lễ mít tinh hưởng ứng ngày thế giới không khói thuốc lá do Bộ Y tế tổ chức chiều 31/5 tại Hà Nội.
20 triệu nam giới Việt hút thuốc lá
Phát biểu tại Lễ míttinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, trên thế giới, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Tại Việt nam, mỗi năm có khoảng 40.000 ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Theo ước tính, có khoảng trên 20 triệu nam giới ở Việt Nam hút thuốc lá. Đây là một con số rất lớn.
Để huy động sự tham gia của cộng đồng, Tổ chức Y tế thế giới đã lấy ngày 31/5 hằng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá. Năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và bệnh tim mạch”. Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới muốn thông tin tới cộng đồng mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc lá và các bệnh tim mạch.
"Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh tim mạch, 30% tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch có nguyên nhân từ hút thuốc, 12% tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch có nguyên nhân từ việc hút thuốc và hút thuốc thụ động, 20-30% tỷ lệ tử vong do đột quỵ có nguyên nhân từ việc hút thuốc thụ động,” Bộ trưởng Bộ Y tế phân tích.
Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm rõ rệt tại nhiều nơi so với năm 2010. (Nguồn: Bộ Y tế)
Theo báo cáo của Bộ Y tế, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: so với năm 2010, năm 2016 tỷ lệ hút thuốc lá điếu của nam giới khu vực thành thị năm giảm 6,5%. Tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới trưởng thành giảm khoảng 2%.
Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động giảm rõ rệt như tại nơi làm việc giảm 13,3%; tại nhà giảm 13,2%; Trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%; trong trường đại học cao đẳng giảm 16,4%.
3 năm xử phạt được 430 triệu đồng
Ông Khuê nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả và những thuận lợi, công tác phòng chống tác hại thuốc lá còn gặp rất nhiều khó khăn.
Điển hình như chế tài xử phạt chưa đạt được như mong muốn. Ở các nước thì xử phạt nghiêm khắc, còn ở Việt Nam việc xử phạt khó khăn, mặc dù có luật.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá mặc dù đã được đẩy mạnh trong thời gian qua nhưng còn chưa thường xuyên.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, những con số về việc thanh tra, kiểm tra thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá cho thấy, hoạt động này mới chỉ diễn ra ở một số địa bàn nhất định, không thường xuyên, kết quả thu được không nhiều.
Năm 2015, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 191 triệu đồng do thanh tra Bộ Y tế, Bộ Công an và đoàn kiểm tra liên ngành các tỉnh thực hiện.
Năm 2016, Thanh tra Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra 151 cơ sở tại 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế), xử phạt 16 cơ sở với số tiền 136 triệu đồng.
Trong 3 tháng đầu năm 2017, tại Hà Nội, Đoàn kiểm tra của Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ kiểm tra tại 171 nhà hàng, khách sạn, phạt 23 đơn vị với số tiền phạt gần 60 triệu đồng.
Tại Hải Phòng, các cơ quan chức năng đã kiểm tra 62 đơn vị, cơ sở kinh doanh, các khách sạn nhà hàng, cửa hàng bán lẻ thuốc lá, phạt 12 đơn vị với số tiền 30 triệu đồng.
Bộ Công an phạt 15 trường hợp, phạt 13,5 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền phạt tính đến nay là 430 triệu đồng.
Về xử phạt về buôn lậu các sản phẩm thuốc lá: Theo báo cáo tổng kết hoạt động phòng chống tác hai của thuốc lá từ năm 2014-2016 của Bộ Công an (do Cục Y tế làm đầu mối), tổng số các vụ buôn lậu thuốc lá bị bắt và xử lý: 1.532 vụ, phạt tiền: 19,44 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc bày bán các sản phẩm thuốc lá lậu vẫn diễn ra khá phổ biến tại các thành phố lớn.
Vì vậy, tại buổi lễ míttinh, Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Đặc biệt, nhiều đơn vị cần đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị, trên các phương tiện giao thông công cộng, tại các khách sạn, nhà hàng và các địa điểm cấm hút thuốc khác theo quy định của Luật phòng chống tác hại của thuốc lá./.