Tại cuộc họp báo cáo về tiến độ triển khai dự án "Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (Dự án VILG)" diễn ra sáng 13/2, tại Hà Nội, do Ban Quản lý dự án VILG Trung ương, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh cần triển khai thí điểm phần mềm vào tháng 3/2020 nhằm đảm bảo đúng cam kết theo tiến độ với Ngân hàng Thế giới.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi cơ sở dữ liệu đất đai là 1 trong 5 cơ sở dữ liệu được Chính phủ ưu tiên xây dựng.
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, do đó việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai trên cả nước có ý nghĩa quan trọng thực hiện mục tiêu này.
Vì vậy, cuộc họp này sẽ xem xét, đánh giá và quyết định các tiêu chí để xây dựng phần mềm nhằm lưu trữ và vận hành dữ liệu đất đai, phân công, phối hợp… trong đó gồm cả giải pháp cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai tại Trung ương và địa phương; đồng thời thống nhất những vấn đề như thủ tục pháp lý, cơ chế chính sách…
Ông Chu An Trường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Giám đốc Ban Quản lý Dự án VLIG Trung ương cho rằng dự án được Chủ tịch nước phê duyệt Hiệp định Tài trợ từ ngày 23/12/2016, có hiệu lực từ tháng 3/2017 với tổng kinh phí 180 triệu USD thực hiện trong thời gian 5 năm (2017-2021).
[Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh kiểm tra 4 chuyên đề lớn về đất đai]
Tính đến thời điểm hiện nay, Ban Quản lý Dự án đã lập thiết kế kỹ thuật - dự toán xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho 105/297 huyện, trong đó có 62 huyện đã được phê duyệt; đã giao 32 gói thầu cho Văn phòng đăng ký đất đai các tỉnh; đã tổ chức 25 huyện thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
Về tiến độ giải ngân của toàn bộ Dự án là hơn 4 triệu USD, trong đó nguồn vốn vay không lãi suất hơn 2,5 triệu USD, vốn đối ứng hơn 1,5 triệu USD.
Tuy vậy, tiến độ thực hiện dự án còn chậm, tỷ lệ giải ngân còn thấp, đặc biệt phần liên quan đến tiến độ triển khai các gói thầu cơ sở dữ liệu tại các địa phương.
Do vậy, thời gian tới, Ban Quản lý sẽ đôn đốc, phối hợp với các địa phương đảm bảo tiến độ giải ngân theo cam kết với nhà tài trợ; phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi sửa đổi của dự án.
Đại diện hai Tập đoàn Viettel và VNPT cho rằng, để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai chung cho 63 tỉnh, thành phố trong thời gian tới, cần giải bài toán xây dựng nền tảng dữ liệu (tính mở phần mềm) nhằm đáp ứng yêu cầu địa chính, đảm bảo đúng tiêu chuẩn dữ liệu cơ sở, dữ liệu không gian, quản lý hồ sơ, hệ thống tọa độ; đảm bảo an toàn thông tin, phục vụ quy trình nghiệp vụ…
Hơn nữa, Ban Quản lý cần lựa chọn mô hình tập trung 2 cấp Trung ương và địa phương để tăng tính chủ động cho việc vận hành và khai thác sử dụng, trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ quản lý chung dữ liệu cả nước.
Theo ông Nguyễn Đình Thọ, Cục trưởng Cục Kinh tế và phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai, điều quan trọng nhất trong xây dựng dự án cần dựa trên cơ sở nền địa chính, qua đó xây dựng cơ sở quy hoạch, dẫn tới định giá đất hàng loạt nhằm giải quyết các cơ sở dữ liệu quản lý đất đai.
Do đó, để đưa vào triển khai tại địa phương cần đảm bảo tính liên thông, chuyển giao dữ liệu địa phương vào cơ sở dữ liệu quốc gia, duy trì triển khai ở các địa phương.
Đồng thời, các tập đoàn công nghệ nên phối hợp với Ban Quản lý để hoàn thành kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất trong năm 2020.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, Ban Quản lý cần thống nhất quy chuẩn dữ liệu tập trung, kế thừa tích hợp các công nghệ cũ; xem xét cơ sở dữ liệu nền địa chính để định giá đất hàng loạt, cập nhật số liệu về địa chính…; đồng thời tiếp tục có kế hoạch hoàn thiện và bổ sung các địa phương đã thí điểm thực hiện phần mềm, qua đó xem xét hiệu quả khi xử lý và chia sẻ dữ liệu phần mềm đảm bảo an ninh; cần quy định phân quyền trong quản trị phần mềm để giải quyết yêu cầu cơ bản của Ngân hàng Thế giới; đảm bảo nguồn nhân lực để đưa phần mềm vào thực tiễn, áp dụng tại các địa phương.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý cần tiếp tục phối hợp Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên trong thời gian chưa thiết lập hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu để cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai và liên kết cơ sở dữ liệu đất đai với trục kết nối liên thông công nghệ thông tin của Chính phủ./.