Triển vọng không mấy sáng sủa của ngành hàng không thế giới

IATA dự báo ngành hàng không thế giới sẽ thua lỗ 12 tỷ USD trong năm tới. Trong khi du lịch nội địa vẫn tăng mạnh, tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ quyết định lưu lượng vận tải quốc tế.
Triển vọng không mấy sáng sủa của ngành hàng không thế giới ảnh 1Hãng hàng không quốc gia Philippine Airlines của Philippines ngày 4/9/2021 cho biết đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ để cắt giảm nợ, trong bối cảnh hãng đang cố gắng để sống sót qua những tác động của đại dịch COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) vừa công bố báo cáo cho biết ngành hàng không thế giới dự báo sẽ vẫn hoạt động thua lỗ trong năm 2022 với tổng mức lỗ ròng là 12 tỷ USD do nhu cầu đi lại vẫn giảm thấp hơn so với thời trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, ngành hàng không thế giới có thể chứng kiến mức thua lỗ trong năm 2022 thấp hơn so với mức thua lỗ 52 tỷ USD dự báo trong năm 2021.

Báo cáo nêu rõ: "Trong năm 2022, tiến độ tiêm vaccine (ngừa COVID-19) và các chính sách của chính phủ sẽ quyết định lưu lượng vận tải quốc tế, trong khi du lịch nội địa vẫn tăng mạnh."

[Các hãng hàng không thế giới báo hiệu sự phục hồi sau đại dịch]

Những tiến bộ đạt được trong chương trình tiêm chủng phòng ngừa COVID-19 đang tạo điều kiện cho một số nước nới lỏng các biện pháp hạn chế và lòng tin của người tiêu dùng được cải thiện sau giai đoạn áp đặt phong tỏa hồi năm ngoái.

Dự báo, nhu cầu du lịch trên thế giới sẽ tăng 18% trong năm 2021 (so với mức tăng 40% của năm 2019), và tăng 51% vào năm 2022 (so với mức tăng 61% vào thời trước khi xảy ra đại dịch).

Tính theo khu vực, các hãng hàng không ở Bắc Mỹ dự báo sẽ đạt lãi ròng 9,9 tỷ USD năm 2022, trong khi các hãng hàng không ở châu Âu có thể ghi nhận mức thua lỗ nhiều nhất là 9,2 tỷ USD và các hãng ở châu Á-Thái Bình Dương dự báo thua lỗ 2,4 tỷ USD.

IATA là cơ quan đại diện cho khoảng 290 hãng hàng không trên thế giới, chiếm 83% lưu lượng hàng không toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.