Triển vọng thị trường ôtô Việt Nam khi cắt giảm thuế nhập khẩu

Mặc dù tháng 1 đã bước vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm Âm lịch nhưng doanh số bán hàng toàn thị trường ôtô Việt Nam chỉ đạt hơn 26.000 xe, giảm 7% so với tháng 12/2017.
Triển vọng thị trường ôtô Việt Nam khi cắt giảm thuế nhập khẩu ảnh 1Dây chuyền lắp ráp ôtô du lịch tại nhà máy THACO, Khu kinh tế mở Chu Lai. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Mặc dù tháng 1 đã bước vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm Âm lịch nhưng doanh số bán hàng toàn thị trường ôtô Việt Nam chỉ đạt hơn 26.000 xe, giảm 7% so với tháng 12/2017.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ôtô trong tháng 1/2018 đạt 26.037 xe, mặc dù giảm 7% so với tháng 12/2017.

Thế nhưng, so với cùng kỳ năm trước, doanh số bán hàng trong tháng 1 lại tăng đến 28%.

Đáng chú ý là sức tiêu thụ của thị trường ôtô trong tháng qua tăng mạnh ở dòng xe du lịch với 18.371 xe được bàn giao đến tay khách hàng cả nước và tăng đến 25% so với tháng 12/2017.

Trong khi đó, dòng xe thương mại chỉ tiêu thụ được 7.363 xe, giảm 38% và xe chuyên dụng giảm tới 78% so với tháng trước với con số 303 xe.

Xét theo xuất xứ xe, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 20.586 xe, tăng 3% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 5.451 xe, giảm 30% so với tháng trước.

Lý giải về việc doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm nói chung và doanh số của xe nhập khẩu giảm mạnh trong tháng qua, giới chuyên doanh cho rằng xuất phát từ các chính sách mới liên quan đến thị trường ôtô chính thức có hiệu lực từ đầu năm.

Theo đó, để đón đầu xu thế giảm thuế nhập khẩu xe từ ASEAN về 0%, những tháng cuối năm 2017 các doanh nghiệp đua nhau giảm giá bán xe, mức giảm lên đến hàng trăm triệu đồng và tạo thành “bão giá” bao trùm toàn thị trường ôtô nhưng khách hàng vẫn thờ ơ.

Khách hàng thờ ơ và chờ đợi đến đầu năm 2018 để được mua xe nhập khẩu nguyên chiếc giá rẻ giảm theo thuế suất về 0%.

Tuy nhiên, điều này đã không trở thành hiện thực khi thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ ASEAN về 0%, cũng là lúc một loạt quy định siết chặt điều kiện sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh ôtô; áp thuế hạn chế nhập khẩu xe ôtô cũ theo các Nghị định 116 và 125 có hiệu lực thi hành.

Với điều kiện kinh doanh mới này, giá xe cả cũ lẫn mới về Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể, không như kỳ vọng của người tiêu dùng trong nước.

Đáng chú ý, với xe sản xuất lắp ráp trong nước, do được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện về 0% theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, doanh nghiệp muốn nhập khẩu linh kiện với mức thuế ưu đãi này về sản xuất lắp ráp cũng cần có độ trễ của thời gian.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho nguồn cung xe sản xuất lắp ráp trong nước khan hiếm thời gian gần đây.

Với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN, thị trường Việt Nam chỉ ghi nhận có 750 chiếc CR-V được Honda nhanh tay nhập về. Chỉ trong 2 tuần mở bán với giá cao hơn 156 triệu đồng so với dự kiến 1,1 tỷ đồng (do vẫn phải chịu thuế nhập khẩu 30%) nhưng đã có đến 737 xe CR-V được bàn giao đến tay khách hàng trong tổng số hơn 2.000 xe đặt cọc.

Không may mắn như Honda, từ đầu năm 2018 đến nay, những mẫu xe nhập khẩu “ăn khách” lâu nay như Toyot​a Fortuner, Ford Explo​rer, Toyota Land Prado, Ford Ranger hay Honda Civic đã không về nước như doanh nghiệp công bố trước đó.

Hiện tại hầu hết các doanh nghiệp đã dừng lại việc nhập khẩu các dòng xe này để xem các bước tiếp theo trong việc triển khai thông tư 03 của Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành.

[Thị trường ôtô: Nghịch lý thuế giảm nhưng giá xe vẫn chưa giảm]

Theo nhìn nhận của ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam, tháng đầu năm 2018 đánh giá chung thị trường ôtô khởi sắc so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2 nhu cầu đã và đang tăng cao trước dịp Tết Nguyên đán.

Ngay từ đầu tháng 11 các hãng đã đưa ra giá mới của năm 2018, thị trường đã ghi nhận khởi sắc từ 2 tháng cuối năm 2017.

Tuy nhiên, năm 2018 có yếu tố liên quan đến Nghị định 116, việc nhập khẩu xe từ các thị trường ASEAN bị ảnh hưởng, do đó tổng doanh số bán xe của toàn ngành có khả năng không đạt như năm 2017.

Trong khi đó, ông Toru Kinoshita, Chủ tịch VAMA cho rằng, năm 2018 một trong những cột mốc quan trọng nhất của thị trường ôtô Việt đó là Việt Nam phải cắt giảm thuế nhập khẩu theo hiệp định ATIGA của ASEAN.

Trên thực tế, ATIGA không có ảnh hưởng tới sản xuất lắp ráp xe trong nước. Tuy nhiên, khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về 0% cũng là lúc Nghị định 116/2017/NĐ-CP có hiệu lực, không doanh nghiệp nào có thể nhập được xe về.

Nghị định 116/2017/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cung cấp; và mỗi lô xe nhập về phải lấy mẫu xe đại diện cho từng kiểu loại để thử nghiệm khí thải, chất lượng an toàn kỹ thuật với chi phí lên tới 10.000 USD và thời gian kép dài đến hai tháng trước khi bán cho khách hàng.

Đó là thực trạng hiện nay. Còn về tương lai sẽ như thế nào thì chưa thể chắc chắn được, ông Toru Kinoshita chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục