Hai ngày qua, nhiều người dân không chỉ ở Hà Nội đã vô cùng bức xúc trước sự việc ca bệnh số 3634 ở Hà Nội có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 - ca bệnh có lịch sử du lịch Đà Nẵng nhưng không tự cách ly theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng về phòng chống dịch, vẫn tiếp tục tham gia nhiều hoạt động đông người.
Khi lịch trình của BN3634 và vợ (BN3633) được công bố, nhiều người sửng sốt và phẫn nộ vì ý thức kém của hai công dân này, không chỉ là với bản thân họ, với gia đình người thân, đồng nghiệp mà còn là mối họa lớn làm lây lan dịch bệnh COVID-19 ra cộng đồng, xã hội.
Vợ chồng ông N.V.T (BN3634) có tiền sử dịch tễ đi Đà Nẵng từ ngày 30/4-2/5 và có triệu chứng ho, đau họng từ ngày 8/5 sau khi trở về từ Đà Nẵng, nhưng từ ngày đó đến ngày phát hiện ra bệnh (12/5) cả hai vẫn đi nhiều nơi như: Sân golf, siêu thị, nhà hàng, tham dự nhiều cuộc họp, về quê…
Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông về ý thức của bệnh nhân và kẽ hở của cơ sở y tế trong công tác phòng chống dịch.
Khi "pháo đài" bất tuân quy định
Trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát tại Hà Nội do có nhiều người từ các vùng dịch trở về, ngày 9/5, Sở Y tế Hà Nội đã ra thông báo khẩn cấp tìm người liên quan đến các điểm nguy cơ cao COVID-19 cần khai báo.
Cụ thể, tất cả người dân đi về từ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh trong thời gian từ 28/4/2021 trở lại đây, đặc biệt tại các xã Mão Điền, Xuân Lâm thực hiện tự cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà, hạn chế tiếp xúc, không đến các nơi đông người, thực hiện khai báo y tế trên tokhaiyte.vn, hoặc gọi điện đến đường dây nóng để khai báo y tế.
[Hà Nội thông báo tìm người liên quan đến các điểm nguy cơ cao COVID-19]
Sở này cũng yêu cầu những người từ thành phố Đà Nẵng trở về Hà Nội từ ngày 20/4 trở lại đây nếu có triệu chứng nghi mắc COVID-19 cần liên hệ Trạm Y tế, Trung tâm Y tế trên địa bàn hoặc liên hệ các số điện thoại: 0969.082.115 - 0949.396.115 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội).
Chị N.M.T (quê ở Thuận Thành, Bắc Ninh) đang ở nhà tự cách ly được gần 1 tuần cho hay: Khi ổ dịch tại Thuận Thành (Bắc Ninh) bùng phát, mặc dù xã chị cùng huyện nhưng không phải nơi có dịch, tuy nhiên vì đã về quê thời điểm này nên ngay lập tức chị đã thông báo với cơ quan, y tế địa phương và ở nhà tự cách ly.
Hành động của chị N.M.T không phải là cá biệt. Thời gian qua, tại Hà Nội cũng có rất nhiều người không thuộc diện F1, F2 nhưng có đi tới các địa điểm được khuyến cáo hoặc có liên quan với các trường hợp có nghi ngờ cũng đã tự giác cách ly tại nhà.
Những người như vậy, đã thực sự là "pháo đài phòng chống dịch hiệu quả nhất," như lời kêu gọi cả nước cùng đồng lòng chống dịch COVID-19 của Đảng, Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 đã gửi đến các tổ chức công sở, doanh nghiệp, công viên chức nhà nước... và toàn thể nhân dân.
Thế nhưng, những trường hợp như vợ chồng BN3634 cho thấy ý thức về phòng chống dịch vô cùng thấp kém, đặc biệt lại ở những người làm trong hệ thống cơ quan Nhà nước-nơi luôn được cập nhật nhanh và đầy đủ nhất các chỉ đạo từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp.
Càng đáng trách hơn, khi ông Nguyễn Văn Thanh lại là người đứng đầu một doanh nghiệp Nhà nước, vị trí mà hơn ai hết cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho nhân viên, đối tác và cộng đồng.
Cụ thể, hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh có lịch trình đi du lịch tại Đà Nẵng từ 30/4 đến 2/5 nhưng không khai báo y tế theo quy định. Sau khi về Hà Nội, hai người đã di chuyển nhiều địa điểm, tiếp xúc nhiều người cho đến khi phát hiện bệnh.
[Hà Nội: 2 ca mắc COVID-19 từ Đà Nẵng về, dự hội họp và đi nhiều nơi]
Đáng lưu ý, dù có triệu chứng ho, đau họng từ ngày 8/5/2021 nhưng vẫn đi siêu thị và hai vợ chồng vẫn đi làm đến ngày 12/5 - thời điểm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Đặc biệt, hai vợ chồng bệnh nhân trên không khai báo trung thực ngay cả khi tới Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô ngày 12/5.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), vợ chồng vị giám đốc Hacinco mắc COVID-19 có khai báo y tế khi vào bệnh viện này nhưng thông tin trên tờ khai y tế không trung thực.
Cụ thể, trên tờ khai y tế có yêu cầu: Trong vòng 14 ngày qua có ghi rõ 3 nội dung: Ông/bà có đến/đi về từ khu vực bị cách ly y tế hoặc ngoài Hà Nội không? Ông bà có tiếp xúc với ai nhiễm/nghi nhiễm COVID-19 hoặc người tiếp xúc gần (F1,F2) không? Ông bà có bị ho, sốt, đau họng, khó thở, chảy nước mũi, có từng bị cách ly y tế không? Trong cả 3 nội dung trên với ca bệnh N.V.T đều tích vào mục không.
Như vậy, tờ khai y tế của vợ chồng bệnh nhân này không có thông tin về vùng dịch tễ là Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi vào khu vực Khoa Cấp cứu thấy bệnh nhân có ho, đau họng nên các bác sỹ phân loại đưa thẳng bệnh nhân vào khu cách ly, test nhanh kháng nguyên tại chỗ.
Theo phó giáo sư Hà, chỉ đến khi bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, bệnh nhân mới khai với bác sỹ khám cấp cứu là vừa trở về từ Đà Nẵng. Ngay sau đó, bệnh viện mời Trung tâm y tế quận Hai Bà Trưng đến và vợ chồng nam bệnh nhân này có khai báo lại đã về từ vùng dịch Đà Nẵng.
Đến nay, liên quan đến ca bệnh của vợ chồng ông Thanh, có tới 5 địa điểm của Hà Nội đã bị tạm phong tỏa.
Cơ quan chức năng ban đầu đã xác định có 157 trường hợp F1 liên quan tới 2 vợ chồng ông Thanh, trong đó đến sáng 13/5 đã xác định có 2 trường hợp F1 trong số trên dương tính với SARS-CoV-2.
[Ông Nguyễn Văn Thanh (BN3634) bị tạm đình chỉ chức vụ Giám đốc Hacinco]
Ông Thanh hiện bị tạm đình chỉ chức vụ do liên quan đến việc "trốn" khai báo y tế sau đó phát hiện mắc COVID-19.
Xử lý phòng khám “để lọt” bệnh nhân COVID-19
Một mắt xích về sự thiếu trách nhiệm trong vụ việc bệnh nhân trên là Phòng khám của Bệnh viện Thu Cúc, 216 Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy.
Lịch sử dịch tễ của 2 ca bệnh từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho hay, vào 9 giờ 30 ngày 9/5/2021 bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Thu Cúc, 216 Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy.
Theo khai báo dịch tễ, bệnh nhân tiếp xúc với nhân viên y tế có mặc đầy đủ bảo hộ, nhưng bị từ chối ở cửa do có yếu tố đi từ Đà Nẵng. Sau đó, bệnh nhân về nhà.
Lý giải về việc Phòng khám Đa khoa Thu Cúc 'từ chối' bệnh nhân và cũng không có thông báo đến các cơ quan ban ngành chức năng về trường hợp 'nghi ngờ' này, ngày 13/5, Giám đốc phòng khám Tạ Quang Mậu cho biết: Bệnh nhân đến khám tại phòng khám vào lúc 9 giờ 51 phút ngày 09/5/2021 do có biểu hiện đau họng.
Tại đây, bộ phận sàng lọc-phân luồng đã khai thác tiền sử và sàng lọc theo quy trình do Bộ Y tế hướng dẫn. Bệnh nhân khai báo về các nơi đến/qua/ở tại Đà Nẵng và các chuyến bay Hà Nội- Đà Nẵng. Tuy nhiên, những nơi đến và các chuyến bay bệnh nhân khai báo không nằm trong danh sách các ổ dịch đang lưu hành theo thông báo của Bộ Y tế (có bảng cập nhật kèm theo ngày 9/5/2021).
Do đó, phòng khám khẳng định: Việc không tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân không xuất phát từ nguyên nhân bệnh nhân này có yếu tố dịch tễ.
Ngoài ra tại thời điểm sàng lọc, bệnh nhân không có biểu hiện bị sốt, ho, khó thở (đo thân nhiệt 36,4 độ). Tuy nhiên, do thời điểm này có một số ổ dịch tại Đà Nẵng nên Phòng khám đã hướng dẫn người bệnh về trạm y tế phường để theo dõi sức khỏe.
Cho đến chiều 12/5/2021, sau khi có thông tin ca bệnh trên mắc COVID-19, phòng khám trên mới thông báo tạm thời đóng cửa, dừng tiếp nhận bệnh nhân để rà soát và khử khuẩn...
Liên quan vụ việc này, trưa 13/5, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản số 2726/QĐ-SYT quyết định đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh đối với Phòng khám Đa khoa quốc tế Thu Cúc, trực thuộc Công ty Cổ phần Y khoa và Thẩm mỹ Thu Cúc, có địa chỉ tại 216 Trần Duy Hưng (Trung Hòa, Cầu Giấy).
Việc tạm đình chỉ phòng khám này để xác minh và xử lý các thông tin liên quan tới quá trình tiếp nhận, xử lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận ngày 12/5/2021; để đảm bảo công tác an toàn phòng, chống dịch trong hoạt động khám, chữa bệnh tại Phòng khám theo quy định của Bộ Y tế.
Theo ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, thành phố Hà Nội cũng như ngành y tế đều đã có quy định tất cả các nhà thuốc, cơ sở y tế tư nhân hay công lập đều phải có trách nhiệm giám sát, điều tra các ca nghi liên quan đến COVID-19.
Do vậy, tùy vào năng lực từng cơ sở y tế, nếu không đủ năng lực thì phải liên hệ với cơ sở y tế địa phương để cùng phối hợp. Việc cơ sở y tế từ chối tiếp nhận bệnh nhân có yếu tố dịch tễ, để bệnh nhân ra về không những sai với quy định của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội mà còn sai với y đức.
Theo ông Tuấn, khi xảy ra các tình huống trên, cơ sở y tế nào không làm được sẽ phải liên hệ, báo ngay cho cơ sở y tế địa phương, bàn giao cho cơ sở y tế địa phương, như vậy mới làm tròn trách nhiệm. Thế nhưng, trong trường hợp này, Phòng khám Đa khoa quốc tế Thu Cúc lại từ chối tiếp nhận, cho người có yếu tố dịch tễ đi về là không đúng.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, các quy định này đã được Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội đã có, Sở Y tế cũng đã có quy định, tập huấn, tuyên truyền cho các cơ sở y tế.
Theo quy định về khám chữa bệnh của Bộ Y tế về phòng chống dịch COVID-19, có bệnh viện chỉ được giao khám, cách ly; có những bệnh viện được phép giữ bệnh nhân để điều trị như Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, các bệnh viện được phân tuyến. Những bệnh viện không được phép điều trị bệnh nhân COVID-19 thì cần khám sàng lọc, hướng dẫn bệnh nhân, nếu có điều kiện thì làm xét nghiệm, còn không thì cần hướng dẫn bệnh nhân đến các nơi để có đủ điều kiện làm xét nghiệm.
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 xảy ra tại Việt Nam từ ngày 23/1/2020 (khi xác định người đầu tiên nhiễm bệnh). Chính phủ đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch bệnh này là "bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu."
Từ đầu mùa dịch COVID-19 đến nay, Đảng, Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 luôn kêu gọi để đất nước an toàn trước dịch bệnh đòi hỏi mỗi một cá nhân, tổ chức đều phải luôn sẵn sàng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích cộng đồng và lợi ích của chính bản thân mình, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác.
[COVID-19: Hà Nội tạm đình chỉ Phòng khám Thu Cúc do liên quan BN3634]
Những thông tin về phòng chống dịch, hướng dẫn người dân thực hiện thông điệp 5K, tự cách ly và gọi các đường dây nóng để được tư vấn, hỗ trợ... đã liên tục được ban hành và công khai trên mọi phương tiện thông tin đại chúng.
Chính vì vậy, sự vô ý thức hay thiếu trung thực của một số cá nhân; sự vô trách nhiệm của những cơ sở y tế khi để lọt bệnh nhân, không có những phương án an toàn... như trên đã là những lỗ hổng lớn dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng với những hậu quả khôn lường./.