Người Hồi giáo lên nắm quyền tại Tunisia và tăng thuế đối với các loại đồ uống có cồn vẫn không thể ngăn được việc nước này trở thành quốc gia tiêu thụ mạnh nhất các loại đồ uống có cồn trong khu vực Maghreb (gồm Algeria, Libya, Mauritania, Morocco và Tunisia).
Theo một nghiên cứu do Pew Research Center thực hiện tháng 4/2013, mặc dù 82% người Tunisia lên án hành động uống bia, rượu, nhưng việc bán các loại đồ uống có cồn ở nước này vẫn phát triển.
Việc người Hồi giáo lên nắm quyền đã làm tăng hành động cấm kị này, nhưng Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã xếp Tunisia là nước đứng đầu khu vực Maghreb và đứng thứ 4 khu vực Arab về tiêu thụ các loại đồ uống có cồn.
Đây thực sự là con gà đẻ trứng vàng cho Nhà nước vì kinh doanh rượu bia mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách và Nhà nước đã tăng thuế lên tới 70%.
Trong khi điều 317 Luật Hình sự quy định phạt tù 15 ngày và nộp tiền phạt đối với những ai bán rượu cho người Hồi giáo, nhưng trên thực tế vào cuối ngày và những ngày thứ Sáu, các quán bar luôn luôn đông khách.
Một minh họa khác cho thấy sự phát đạt của kinh doanh đồ uống có cồn ở đất nước Hồi giáo này là Tập đoàn chuyên sản xuất đồ uống Tunisia (SFBT, đồng thời là nhà sản xuất các loại bia bán trên toàn lãnh thổ) đã gia nhập thị trường chứng khoán.
Vào ngày thứ Sáu hoặc trong tháng Ramadan, thời điểm mà việc bán rượu hoàn toàn bị cấm, thì kinh doanh rượu lậu lại chiếm lĩnh thị trường đến nỗi mà Bộ Y tế Tunisia đã phải cảnh báo người dân về những rủi ro liên quan đến tiêu thụ rượu lậu.
Mahmoud, một người uống bia đều đặn, cho biết: "Tôi không bao giờ cầu nguyện sau khi đã uống bia mà không được tắm rửa sạch sẽ. Trong các lễ cưới, trước đây những người uống rượu và không uống rượu thường ngồi cùng bàn với nhau. Nhưng nay thì không còn cảnh này. Tuy nhiên, không có chuyện loại bỏ rượu trong các đám cưới. Rượu vang vẫn được phục vụ và được rót vào các cốc nhựa được bọc giấy ở bên ngoài"./.