Nhằm đảm bảo an toàn cho du khách và bảo vệ môi trường sinh thái, Ủy ban Nhân dân huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) đã có thông báo tạm dừng các hoạt động tham quan, trải nghiệm tại thác Nặm Me từ ngày 1/8 cho đến khi có thông báo mới.
Ủy ban Nhân dân huyện Lâm Bình nghiêm cấm mọi hoạt động tự phát lên thác Nặm Me, xã Khuôn Hà để tham quan, trải nghiệm, du lịch từ ngày 1/8 cho đến khi có thông báo mới.
Trường hợp đặc biệt, du khách, người dân muốn lên thác cần đăng ký và được sự cho phép của cơ quan chức năng, thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn theo quy định.
[Thưởng ngoạn những hồ nước thơ mộng tuyệt đẹp ở Cao Bằng]
Ủy ban Nhân dân huyện Lâm Bình đề nghị Ban Quản lý các Khu du lịch tỉnh Tuyên Quang, Ủy ban Nhân dân huyện Na Hang phối hợp, thông báo đến cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, chủ kinh doanh dịch vụ tàu thuyền chở khách du lịch và nhân dân để biết thực hiện.
Trường hợp cố tình vi phạm tham mưu việc xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, lượng khách du lịch đến tham quan thác Nặm Me ngày càng đông. Lượng rác thải do hoạt động của du khách gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cảnh quan sinh thái.
Đặc biệt, đường lên thác Nặm Me có độ dốc rất lớn, vách đá dựng đứng, trơn trượt, việc đi lại vô cùng khó khăn, nguy hiểm, trong khi đó nhiều đoàn không có người dẫn đường, không thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách lên, xuống thác, gây mất an toàn tới tính mạng và tài sản của du khách khi tham quan, trải nghiệm...
Lâm Bình là huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang và cũng là vùng đất sơn thủy hữu tình, trập trùng những dãy núi kỳ vĩ, rừng đại ngàn xanh thẳm, với nhiều thác nước nổi tiếng như thác Nặm Me, thác Khuổi Nhi, thác Khuổi Súng... Trong đó, Nặm Me là một trong những thác nước rất đẹp, có nhiều tầng thác, với độ dài khoảng 4km, lưu lượng nước khá đều quanh năm.
Nhằm phát huy tiềm năng được thiên nhiên ban tặng, những năm qua, huyện Lâm Bình chú trọng phát triển du lịch, trong đó, địa phương đặc biệt quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng các sản phẩm, tour du lịch đặc trưng như du lịch cộng đồng (homestay); du lịch trải nghiệm, khám phá hồ sinh thái Na Hang-Lâm Bình; khám phá hang động, thác nước, rừng nguyên sinh; trải nghiệm lễ hội Lồng Tông, lễ hội Nhảy lửa.
Huyện nghiên cứu, xây dựng một số sản phẩm du lịch mới (du lịch sức khỏe...); khôi phục nghề thủ công mây, tre, thổ cẩm để vừa sản xuất, chế tác quà lưu niệm vừa thu hút du khách tham quan, trải nghiệm...
Nhờ phát triển du lịch, dịch vụ hiệu quả, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã từng bước được cải thiện và nâng cao.
Huyện Lâm Bình phấn đấu đến năm 2025 đón trên 200.000 lượt khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm./.