Tuyển thơ Thu Bồn 2015, để nhớ “kẻ đánh đu cùng dâu bể”

Kỷ niệm 12 năm ngày mất Thu Bồn, nhà phê bình Ngô Thảo, nhà văn Trung Trung Đỉnh và nhà thơ Đoàn Ngọc Thu đã cùng biên soạn “Tuyển thơ Thu Bồn” như nén tâm nhang thành kính tưởng nhớ thi sỹ tài hoa.
Tuyển thơ Thu Bồn 2015, để nhớ “kẻ đánh đu cùng dâu bể” ảnh 1Thu Bồn - "kẻ đánh đu cùng dâu bể." (Ảnh tư liệu)

“Rồi mai mưa gió qua đây/ Anh còn ở với cỏ cây em về…” Thấm thoắt đã 12 năm kể từ ngày “chim Chơrao” bay đi nhưng với bạn bè văn nghệ và những người yêu thơ ông, Thu Bồn như vẫn luôn hiện diện.

Không giống những chương trình giới thiệu sách khác, buổi ra mắt “Tuyển thơ Thu Bồn” (chiều 19/6) tại Hà Nội đã trở thành một “diễn đàn Thu Bồn” - nơi bạn bè, đồng nghiệp cùng nhớ và kể những câu chuyện về ông để dựng lại một chân dung đặc biệt của văn học Việt Nam hiện đại.

Một đời chiến sỹ kiên cường nơi trận mạc, một đời thi sỹ sống và yêu hết mình với những vần thơ tài hoa, những cuộc tình nhiều ngang trái, Thu Bồn mang phong thái của một tráng sỹ.

Trong ký ức của nhà văn Trung Trung Đỉnh, Thu Bồn là người “bề ngoài có vẻ cao lớn vạm vỡ, hùng hổ, ngang tàng nhưng bên trong lại rất hiền từ, phục thiện, cởi mở và thơm thảo.” Cũng bởi vậy, cuộc đời ông là một bản du ca về tình bạn và tình người và Thu Bồn vẫn tự nhận mình là kẻ “đánh đu cùng dâu bể.”

[Chim Chơ rao bay đi, thấm thoắt đã 10 năm rồi]

12 tuổi, người con của miền đất Quảng Nam ấy rời vòng tay mẹ để tham gia kháng chiến chống Pháp gian khổ. Sau đó, ông lại “nếm mật nằm gai” cùng đồng đội, đồng bào, đi xuyên qua cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ; băng mình qua cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và lên đường sang chiến trường Campuchia ác liệt để thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

“Chính điều đó đã tạo nên vẻ đẹp thơ ông - cái vẻ đẹp phong trần, nhuốm bụi đời vừa gian nan khúc vừa ngạo nghễ kiêu hùng và lãng mạn, cuồn cuộn sức sống, cuồn cuộn cảm xúc,” nhà văn Trung Trung Đỉnh chia sẻ.

“Mây đen đè nặng trăng không sáng/ Loang lổ trời đêm máu tím bầm/ Rặng núi nặng nề ôm mây ngủ/ Nghe vẳng phương xa tiếng sấm gầm…” (Bài ca chim Chơrao).

Tuyển thơ Thu Bồn 2015, để nhớ “kẻ đánh đu cùng dâu bể” ảnh 2"Tuyển thơ Thu Bồn" - nén tâm nhang thànhh kính tưởng nhớ nhà thơ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Còn trong ký ức nhà văn Nguyễn Trí Huân, Thu Bồn là một người yêu Tây Nguyên da diết: “Chất núi rừng đại ngàn thấm vào anh và theo anh suốt chặng đường đời.”

Nhà văn kể, tháng 5/1970, ông vào chiến trường khu V. Trong thời gian ở đây, ông được nghe rất nhiều câu chuyện, “giai thoại” về Thu Bồn. Chỉ với một con dao rựa, thi sỹ đã tự dựng một căn nhà giữa rừng sâu đại ngàn. Sau này, đến thăm nơi ở của nhà thơ sau chiến tranh, nhiều người đã không khỏi bất ngờ khi thấy một hàng dài những chiếc thớt có kích thước to, nhỏ khác nhau tựa như sự mô phỏng dàn chiêng Tây Nguyên treo trên tường bếp.

“Con người ấy chỉ phù hợp với không gian của đại ngàn, sự lãng mạn và nghĩa hiệp. Trái tim yêu tự do, đầy bản năng ấy không thể bị ràng buộc bởi những quy tắc. Ở thời hậu chiến, anh đã tự bứt mình khỏi một cơ quan hành chính để được sống với những cuộc lãng du, những gì mình muốn bằng một trái tim nặng nợ với đời,” nhà văn Nguyễn Trí Huân chia sẻ.

Khi tập kết ra Bắc, anh đã khoét hai cái lỗ ở chiếc balô con cóc để địu con trai băng rừng Trường Sơn. Thế nhưng, số phận lại chẳng mỉm cười với kẻ tài hoa.

Người con cả của Thu Bồn đã rời bỏ ông khi mới 16 tuổi. Hà Băng Ngàn - cậu út nay đã ở tuổi ngoài 40 nhưng vẫn phải sống dựa vào sự chăm sóc của mẹ do chịu ảnh hưởng nặng nề của chất độc hóa học màu da cam di truyền từ cha.

Trong buổi ra mắt “Tuyển thơ Thu Bồn,” nhà lý luận-phê bình Ngô Thảo đã không giấu được sự xúc động khi nói về con người một đời đa đoan, yêu hết mình, dám bứt khỏi mọi ràng buộc, rào cản để đi đến tận cùng tự do trong đời sống và sáng tác.

“Thu Bồn sống với ai, yêu ai cũng hết lòng, cho đi mà chẳng hề nghĩ đến chuyện nhận lại. Trong đám tang của anh, có khoảng chục người phụ nữ mặc áo đen đến xếp hàng đưa tiễn anh. Đó đều là những người phụ nữ đã đi qua đời anh, thời gian gắn bó có thể dài, ngắn khác nhau nhưng tất cả đều được nhận từ anh sự yêu thương chân thành, không toan tính,” nhà phê bình Ngô Thảo chia sẻ.

Nhân dịp kỷ niệm 12 năm ngày mất nhà thơ Thu Bồn (2003-2015), nhà lý luận-phê bình Ngô Thảo, nhà văn Trung Trung Đỉnh và nhà thơ Đoàn Ngọc Thu đã cùng biên soạn “Tuyển thơ Thu Bồn” như nén tâm nhang thành kính tưởng nhớ một thi sỹ tài hoa.

Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán sách sẽ dùng để ủng hộ quỹ học bổng mang tên nhà thơ Thu Bồn ở chính quê hương ông.

Tuyển thơ Thu Bồn 2015, để nhớ “kẻ đánh đu cùng dâu bể” ảnh 3Nhà phê bình Ngô Thảo (phải) chia sẻ những kỷ niệm với nhà thơ Thu Bồn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Không nhiều văn nghệ sỹ dám sống hết mình, sống như những gì mình muốn để đi đến tận cùng sáng tác, tận cùng xúc cảm như Thu Bồn. Lịch sử văn học Việt Nam hiện đại vẫn ít nói về anh và đó là một thiếu sót,” Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Tại sự kiện, nhà phê bình Ngô Thảo tiết lộ một thông tin mà ít người biết vào năm 2002, một năm trước khi qua đời, nhà thơ Thu Bồn từng gửi tâm thư đến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ giáo dục đương thời để hỏi về lý do mà hai tác phẩm trường ca Bài ca chim Chơ-rao và thơ Gửi lòng con đến cùng cha của ông bị đưa ra khỏi sách giáo khoa phổ thông. Khi đó, Thu Bồn đang bị tai biến mạch máu não, thời gian sống trên đời không còn bao lâu nữa, nhưng cuối cùng, ông cũng không đợi được câu trả lời.

Nhắc lại sự thiệt thòi của Thu Bồn, Ngô Thảo nói: "Nay, ý kiến về Giải thưởng Hồ Chí Minh hay phong tặng anh hùng cho nhà thơ Thu Bồn là sự an ủi đúng đắn bởi sau khi được Giải thưởng Nhà nước, nhà thơ vẫn còn rất nhiều tác phẩm chất lượng và các tác phẩm đó sẽ được thời gian chứng minh."

Một kiếp tài hoa, một đời ngạo nghễ, hình hài thi sỹ đã lẫn vào cùng đất Mẹ nhưng những người yêu sáng tác của Thu Bồn, trân quý con người nhiệt tâm ấy sẽ còn luôn nhắc và đọc thơ ông để cùng ngẫm ngợi: “Ta cũng là trăng luôn mắc lưới/ Vớt lên ướt hết nửa cuộc đời/ Phần con người có cô đơn/ Phần hoa đẹp có hương thơm không lời.”./.

Nhà thơ Thu Bồn (1/12/1935-17/6/2003) tên thật là Hà Đức Trọng, quê quán: Điện Bàn, Quảng Nam. Bút danh của ông lấy theo tên dòng sông Thu Bồn quê hương.

Một số sáng tác của Thu Bồn: “Bài ca chim Chơrao” (trường ca - 1962), “Tre xanh” (thơ, 1965), “Mặt đất không quên” (thơ - 1970), “Dưới đám mây màu cánh vạc" (tiểu thuyết - 1975), “Người vắt sữa bầu trời” (trường ca, 1985), “Thông điệp mùa Xuân” (trường ca - 1985), “Tôi nhớ mưa nguồn” (thơ, 1999)…

“Tuyển thơ Thu Bồn” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 6/2015.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục