Ùn tắc giao thông tại Hà Nội sẽ diễn biến ngày càng phức tạp

Nhiều nguyên nhân về ùn tắc giao thông đã được “bắt bệnh” và cơ quan quản lý Nhà nước cũng đưa ra “liều thuốc” tổng thể để có thể giải quyết vấn nạn vốn là cơm bữa tại một số đô thị hiện nay.
Diện tích đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị còn thấp, xe cá nhân gia tăng nhanh là nguyên nhân chính gây ra ùn tắc giao thông. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)
Diện tích đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị còn thấp, xe cá nhân gia tăng nhanh là nguyên nhân chính gây ra ùn tắc giao thông. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Phương tiện giao thông gia tăng nhanh trong khi hạ tầng chưa thể đáp ứng sẽ khiến tình trạng ùn tắc giao thông tại Thủ đô ngày càng diễn biến phức tạp.

Điều khó tránh...

Trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải và Hà Nội đã đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng tuyến đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long, đường Vành đai 2 trên cao, dưới thấp đoạn Ngã Tư Vọng-Ngã Tư Sở, đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm, cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên-Hoàng Quốc Việt...

Tuy vậy, có một thực tế vào khung giờ cao điểm, nhiều tuyến đường của thành phố đã rơi vào ùn tắc cục bộ, lượng phương tiện chen chân “nhích” từng mét, còi xe inh ỏi và khiến ai cũng mệt mỏi vì “chôn chân” trên đường.

Thậm chí, một số dự án của thành phố chi hàng trăm tỷ đồng mở rộng hạ tầng giao thông nhưng tình trạng ùn tắc còn diễn biến trầm trọng hơn.

Đơn cử như đường Vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Vọng-Ngã Tư Sở) sau khi thông xe lại rơi vào cảnh ùn tắc nghiêm trọng tại nút giao Ngã Tư Sở trong khung giờ cao điểm. Lý do được đại diện liên ngành giao thông và công an chỉ ra là do phương tiện ôtô lưu thông thoát nhanh tuyến trên cao và dồn nhanh về nút giao tại một thời điểm, trong khi đèn tín hiệu phân bố chưa hợp lý dẫn đến ùn tắc.

Nêu ra những yếu tố ảnh hưởng tới ùn tắc giao thông trong thời gian qua, theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, diện tích đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị còn thấp, mới đạt khoảng 10,07%, trong khi đó theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị cần đạt 20-26%.

Thành phố hiện nay có khoảng 7,1 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, với tốc độ tăng trưởng ôtô đạt 10,2%/năm, của xe máy đạt 6,7%/năm, chưa tính khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông khiến cho nguy cơ ùn tắc giao thông trên địa bàn là điều khó tránh khỏi và dự báo sẽ ngày càng diễn biến phức tạp.

[Phó Thủ tướng: Sẽ không giảm được ùn tắc khi xe cá nhân gia tăng nhanh]

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của Bộ Giao thông Vận tải vào sáng 24/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đưa ra quan điểm: “Trong vòng 5 năm nữa, với tốc độ gia tăng xe cá nhân sẽ không thể nào hạn chế được ùn tắc giao thông. Các đô thị lớn càng xây dựng hạ tầng đường sá thì càng ùn tắc bởi hấp dẫn người dân đổ về (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm tăng 200.000 người). Do đó, không hạ tầng nào có thể đáp ứng nổi tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, dẫn đến ùn tắc và ô nhiễm môi trường.”

Qua rà soát, liên ngành đã xác định được các nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông hiện nay là do quá tải của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; xung đột giao thông tại một số các nút giao thông có mật độ cao gây ùn tắc; các điểm đang tổ chức thi công công trình giao thông; một số đoạn, tuyến đường chưa được đầu tư hay chưa hoàn chỉnh dẫn đến tạo thành các nút cổ chai; xảy ra sự cố giao thông trên các tuyến đường giao thông có mật độ cao.

Thậm chí một số tuyến phố giao cắt với các ngõ nhỏ, tuyến phố có nhiều đường ngang giao cắt dễ gây ùn tắc; ảnh hưởng của thời tiết khi mưa, bão gây ra tình trạng úng ngập cục bộ trên đường; các khu vực trường học, bệnh viện, nơi tập trung đông người cũng dễ ùn tắc vào giờ cao điểm; do tình trạng vi phạm Luật Giao thông đi sai làn, đi ngược chiều, đi trên vỉa hè, đi điền vào chỗ trống, dừng đỗ xe trái quy định... dẫn đến ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

Gỡ ùn tắc: Cách nào?

Trong năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu giảm 8-10 điểm ùn tắc. Đáng lưu ý, trong 26 điểm ùn tắc còn lại từ năm 2020, đơn vị này đặt mục tiêu xử lý nhiều điểm ùn tắc nghiêm trọng như Phùng Chí Kiên-Hoàng Quốc Việt; nút giao 361-Nguyễn Khang; điểm quay đầu Trung Văn-Tố Hữu; đường Vành đai 3 đoạn nút giao Big C; nút giao Nghiêm Xuân Yêm-Nguyễn Hữu Thọ; Linh Đường-Nguyễn Hữu Thọ.

Sở Giao thông Vận tải cũng vừa đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội 9 nhóm giải pháp gồm xén mở rộng tối đa mặt đường tăng khả năng thông hành, tăng diện tích đất dành cho giao thông; xây dựng cầu vượt tại một số nút giao thông quan trọng, thường xuyên; xén vỉa hè mở rộng các nút giao để tăng lưu lượng giao thông qua nút; tổ chức giao thông hợp lý, cho các phương tiện rẽ phải liên tục, cấm rẽ trái tại một số nút giao để hạn chế xung đột giao thông.

Ùn tắc giao thông tại Hà Nội sẽ diễn biến ngày càng phức tạp ảnh 1Hạn chế xe cá nhân, thu hút người dân đi phương tiện vận tải công cộng đi liền với xây dựng hạ tầng giao thông mới giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông tại các đô thị. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Liên ngành liên tục theo dõi để có phương án điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông hợp lý theo lưu lượng giao thông; tăng cường lực lượng phân luồng hướng dẫn giao thông trong giờ cao điểm tại vị trí các nút giao, trong đó phân công rõ nút giao thuộc trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp quận, phường; xây dựng bản đồ úng ngập và tổ chức phân luồng từ xa tại các điểm có khả năng xảy úng ngập; tổng hợp thường xuyên, cung cấp thông tin cho kênh VOV giao thông về tình hình ùn tắc để người dân biết và tránh các điểm này.

[Hà Nội: Xóa điểm ùn tắc cũ lại phát sinh các 'điểm đen' mới]

Bên cạnh đó, Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải cam kết triển khai đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trong kế hoạch năm 2021, phấn đấu hoàn thành 38/91 công trình, đảm bảo tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 10,35% trở lên; đưa vào vận hành 2 dự án giao thông lớn là nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, dự án cải tạo, sửa chữa cầu Thăng Long; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội, đường Vành đai 1, Vành đai 2 và Vành đai 4 hay Vành đai 5.

Hà Nội cũng phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đưa vào sử dụng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông và nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 17-18% nhu cầu đi lại của người dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục