Theo ông Chu Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Giao thông Vận tải), đó chỉ là những bước đi đầu tiên trong xu hướng sử dụng nhiên liệu sạch đối với ngành giao thông.
“Theo dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sẽ bắt buộc phải sử dụng nhiên liệu sạch,” ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, hoạt động của phương tiện giao thông cơ giới hiện nay sử dụng nhiên liệu hóa thạch là chủ yếu (xăng, Diesel), sau khi bị đốt cháy, đây sẽ là nguồn cơ bản gây ô nhiễm môi trường. Đó là lý do chính mà chúng ta phải từng bước kiểm soát được lượng phát thải của các phương tiện cơ giới.
Ông Hùng cho biết: “Thực tế chứng minh nhiên liệu là yếu tố cơ bản có ảnh hưởng lớn đến lượng phát thải của phương tiện giao thông cơ giới. Chính vì vậy việc phát triển và ứng dụng nhiên liệu sạch, nhiên liệu thay thế cũng là một định hướng trong phát triển phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường.”
Bên cạnh việc phát triển các loại hình vận tải năng lực cao, vận chuyển khách, hàng hóa khối lượng lớn, việc ứng dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các phương tiện giao thông vận tải thông qua công tác quản lý kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ mới cũng cần được quan tâm nghiên cứu.
Trước mắt, nước ta đang khuyến khích các chủ phương tiện sử dụng khí dầu hóa lỏng (LPG) và khí nén tự nhiên (CNG). Đây là hai loại nhiên liệu sạch hiện nay song vẫn chưa được phổ cập rộng rãi ở nước ta.
“Hiện đã có thông tin đầy đủ về lợi ích của việc sử dụng CNG và LPG đối với môi trường. Vì là khí tự nhiên làm nhiên liệu nên thân thiện với môi trường, giá thành rẻ và sẵn có ngay trong nước,” ông Hùng đánh giá.
Một số dự án thí điểm sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí tự nhiên nén (CNG) đã được triển khai và mang lại hiệu quả như ứng dụng bộ chuyển đổi xăng sang LPG đã được sử dụng khá rộng rãi trên xe taxi ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; thử nghiệm CNG cho xe buýt đô thị, xe taxi ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, với nhiên liệu sạch được đưa vào sử dụng tại Việt Nam cũng gặp những khó khăn trong việc chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu truyền thống sang sử dụng CNG, LPG.
“Hạ tầng giao thông và kho chứa còn thiếu; việc lắp đặt bình chứa nhiên liệu phải thêm chi phí bổ sung; mất không gian chứa hàng và thời gian nạp nhiên liệu, quãng đường xe chạy ngắn...,” ông Hùng chỉ ra những trở ngại.
Để có thể khuyến khích phương tiện và các đơn vị vận tải, ông Hùng cho rằng, Nhà nước nên áp dụng các giải pháp đòn bẩy kinh tế về thuế nhiên liệu, ưu đãi đầu tư, chính sách thuế khác để các cơ sở vận tải có thể chấp nhận sử dụng loại nhiên liệu này; cũng như hoàn thiện hệ thống chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với loại phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu sạch, đi đôi với công tác tuyên truyền sâu rộng về lợi ích của việc sử dụng CNG và LPG trong giao thông vận tải.
Theo kế hoạch, trong năm nay, cả nước sẽ có 5 nhà máy sản xuất xăng sinh học đi vào hoạt động với tổng công suất 365.000 tấn/năm đủ để pha chế 7,3 triệu tấn xăng E5.
Ông Hùng cũng đưa ra lời khuyên: “Trong khi chờ đợi các nhiên liệu sạch được ứng dụng rộng rãi, trước tiên chúng ta cần tính toán đến hệ thống giao thông để người dân không phải đi những đoạn đường dài từ nơi cư trú đến nơi làm việc, huấn luyện cho lái xe và triển khai các hộp đèn giám sát hành trình, khuyến khích chuyển đổi sử dụng các dạng nhiên liệu sinh học đồng thời cũng cần đánh thuế các loại xe tiêu hao nhiều nhiên liệu, xe không đáp ứng các tiêu chuẩn về tiêu hao nhiên liệu, tăng phí đăng ký xe đối với những loại tiêu hao nhiều nguyên liệu…”
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng trong ngành, triển khai ứng dụng cabin điện tử trong đào tạo lái xe ôtô, tàu thủy, máy bay, tàu hỏa, phổ biến kỹ năng lái xe tiết kiệm năng lượng tại các trung tâm đào tạo lái xe, ứng dụng rộng nồi hơi tận dụng nhiệt khí xả trên tàu thủy cũng như triển khai các giải pháp tăng cường vận tải khách công cộng, giảm phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc tại các đô thị.
Tổng công ty hàng không Việt Nam đã triển khai gói thầu tư vấn trị giá 400.000 USD để nghiên cứu, triển khai áp dụng các giải pháp quản lý, và ứng dụng công nghệ nhằm tiết kiệm nhiên liệu bay. Dự kiến nhóm giải pháp này được áp dụng đầy đủ tiềm năng tiết kiệm đạt 6,4% chi phí nhiên liệu bay hàng năm (25 triệu USD)./.
Hiện nay, theo bảng xếp hạng của APERC, Việt Nam đang đứng thứ 35 về mức tiêu thụ dầu diesel, 36 thế giới về mức tiêu thụ xăng, tổng lượng nhiên liệu dùng trong giao thông đứng hàng 38... và dự đoán của các chuyên gia với mức độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Việt Nam sẽ còn tăng cao trong những năm tới. |