Ở Việt Nam, ung thư vú là loại ung thư đứng hàng đầu, chiếm tới 25,8% các trường hợp ung thư ở nữ giới với 21.555 người mới được phát hiện bệnh và 9.345 bệnh nhân tử vong.
Thông tin trên được Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng (Bộ Y tế) đưa ra tại chuỗi Diễn đàn người bệnh ung thư vú do đơn vị này tổ chức vừa diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Bạn không chiến đấu một mình.”
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ của chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú mang tên “Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu” năm 2023, dành riêng cho những chiến binh hồng trên toàn quốc.
Việt Nam pha chế thành công hai loại thuốc phóng xạ mới dùng chẩn đoán ung thư
Bệnh viện Chợ Rẫy đã pha chế thành công, đưa hai loại thuốc Ga-68 PSMA và Ga-68 Dotatate vào sử dụng trong chẩn đoán, điều trị ung thư tuyến tiền liệt và u thần kinh nội tiết.
Tại diễn đàn, người bệnh đã được Phó giáo sư Huỳnh Quang Khánh - Trưởng đơn vị tuyến vú (Bệnh viện Chợ Rẫy) hướng dẫn cách chăm sóc toàn diện về bệnh ung thư vú; Thạc sỹ Trần Thị Anh Tường - Trưởng khoa dinh dưỡng, Tiết Chế (Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh) cũng chia sẻ những kiến thức dinh dưỡng hữu ích dành cho người bệnh, ngoài ra các nữ chiến binh cũng được bác sỹ Phan Thị Hồng Đức - Khoa Nội tuyến vú-tiêu hóa-gan-niệu (Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh) đặc biệt lưu ý cách chăm sóc da do tác dụng phụ khi hóa và xạ trị.
Ngoài ra, các chiến binh kiên cường cũng được sạc đầy năng lượng tích cực và lạc quan thông qua bài nhảy Zumba đầy sôi động và khỏe khoắn giữa giờ.
Chị Đồng Thị Luyện, Quản trị viên Câu lạc bộ “Cuộc chiến chống ung thư” chia sẻ: “Chúng tôi cần lắm những diễn đàn như này để hiểu đúng về các kiến thức điều trị bệnh, tiếp thêm các tinh thần, nghị lực cho các chiến binh để biết rằng cả cộng đồng đều quan tâm đến chúng tôi.”
Trước đó, vào ngày 8/11, buổi diễn đàn người bệnh ung thư vú đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của gần 200 chiến binh hồng đến từ các tỉnh phía Bắc.
Diễn đàn người bệnh ung thư vú 2023 được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tư vấn, cập nhật những thông tin chính thống về nhằm tư vấn, cập nhật những thông tin chính thống về chẩn đoán và điều trị, giải đáp các thắc mắc của người bệnh trong và sau điều trị. Đây cũng là dịp để người bệnh và các nhân viên y tế cùng gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, truyền cho nhau sự mạnh mẽ, lạc quan trong chặng đường điều trị. Diễn đàn cũng là dịp để người bệnh và các nhân viên y tế cùng gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, truyền cho nhau sự mạnh mẽ, lạc quan trong chặng đường điều trị.
Chiến dịch “Chung tay vì phụ nữ tôi yêu” thuộc Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng là một trong những chương trình thường niên tại Việt Nam có quy mô tổ chức bài bản và uy tín về tầm soát ung thư vú cho phụ nữ.
Hơn 10 năm thực hiện, chiến dịch đã khám tầm soát miễn phí cho hơn 72.000 phụ nữ trên toàn quốc. Hàng nghìn phụ nữ đã được hướng dẫn cách chăm sóc ngực, cách phát hiện bệnh sớm, cách phòng bệnh hiệu quả và giải đáp những thông tin liên quan đến căn bệnh ung thư vú thông qua chuỗi chương trình “Bác sĩ tư vấn (Dr Talk)” do Quỹ tổ chức.
Ngoài ra, các hoạt động như thắp sáng tòa nhà màu hồng, diễu hành xe buýt 2 tầng nhằm nâng cao nhận thức phát hiện sớm bệnh ung thư vú cũng đã được đông đảo người dân quan tâm và hưởng ứng tích cực.
Theo các chuyên gia, ung thư vú là bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp, phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp. Tuy nhiên, yếu tố tiên quyết vẫn là việc điều trị khi ung thư đang ở giai đoạn sớm.
Chính vì vậy, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú ngay khi phụ nữ sang độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao (từ độ tuổi 40 trở lên) là rất quan trọng. Mặc dù trong những năm gần đây, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống bệnh ung thư vú đã được triển khai tại các tỉnh/thành phố nhưng vẫn còn rất nhiều chị em phụ nữ Việt Nam vẫn chưa chủ động trong việc tự đi khám sàng lọc bệnh ung thư vú.
Ung thư vú là bệnh phổ biến hàng đầu ở nữ giới. Thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), trong năm 2020 có tới hơn 2,2 triệu phụ nữ được phát hiện ung thư vú và có tới gần 685.000 trường hợp tử vong. Tại châu Á, hiện chiếm tới 45% số ca ung thư vú toàn cầu và số ca mắc ung thư vú dự kiến sẽ tăng 20,9% và tỷ lệ tử vong tăng 27,8% trong giai đoạn 2020-2030./.