Uống rượu bia lái xe: Sao chưa kiểm soát trách nhiệm người bán?

Để hạn chế tai nạn liên quan đến sử dụng rượu bia khi lái xe, đại diện cơ quan chức năng cho rằng cần tăng thêm chế tài và kiểm soát chặt chẽ trách nhiệm người bán, đối tượng tiếp cận...
Cảnh sát giao thông tiến hành đo nồng độ cồn. (Ảnh: Việt Hùng)
Cảnh sát giao thông tiến hành đo nồng độ cồn. (Ảnh: Việt Hùng)

Ngoài việc tăng nặng các chế tài xử phạt đi đối với tuyên truyền nâng cao nhận thức về hành vi uống rượu bia khi lái xe, đại diện các cơ quan chức năng cũng cho rằng, Nhà nước cần có các quy định kiểm soát từ chính các cơ sở, đại lý kinh doanh bán rượu bia, thời gian bán và đối tượng được tiếp cận.

Quyền lực giao cho Cảnh sát giao thông còn yếu?

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Vấn nạn sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông-Hậu quả và xử lý” do báo Công an Nhân dân tổ chức vào sáng ngày 31/5, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (C08, Bộ Công an) cho biết tai nạn giao thông liên quan đến người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia trái phép còn diễn biến phức tạp.

Theo thống kê của C08, đã có 55.000 lái xe vi phạm quy định về rượu bia bị xử lý, trong đó chủ yếu là người điều khiển xe máy và ôtô. Khung giờ vi phạm là sau giờ trưa. Nhìn vào bãi xe của các nhà hàng hiện nay, xe cá nhân đến các quán rất nhiều, các cuộc đám hiếu hỷ, các cuộc liên hoan có sử dụng lượng rượu bia tương đối cao…

Thừa nhận Cảnh sát giao thông chỉ là khúc cuối trong vấn đề kiểm soát rượu bia, Đại tá Bình nhấn mạnh đến việc tăng cường nhận thức của người tham gia giao thông, nhận thức của xã hội, các chế tài có liên quan.

[Đại biểu Quốc hội: Cần chế tài mạnh tay đối với lái xe uống rượu, bia]

Nhìn nhận từ vi phạm nồng độ cồn sẽ đi qua tốc độ, đi sai làn đường…, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, để nói chế tài đã đủ hoàn thiện, đã đủ sức răn đe hay chưa thì rất khó. Hầu như quốc gia nào cũng vướng mắc.

Ví dụ như lái xe vi phạm bị phạt 4 triệu là cả gần tháng lương nhưng có những người khác mức phạt đó là bình thường. Đề xuất tước giấy phép lái xe vĩnh viễn chỉ được đồng tình trong một số trường hợp như đối tượng như kinh doanh vận tải tái phạm nhiều lần, gây tai nạn, gây chết người, còn tước quyền lái xe cá nhân thì xem xét.

“Có ý kiến cho rằng, phạt lao động công ích với vi phạm nồng độ cồn cũng là một chế tài nên xem xét. Có người sẵn sàng nộp phạt nhiều tiền nhưng nếu phải vào bệnh viện để làm những việc như thế họ sẽ rất ngại và sẽ không tái phạm. Ở một số nước, người vi phạm nồng độ cồn bị phạt và cả người cung cấp cồn, người ngồi cạnh cũng bị phạt. Chúng ta nên xem xét vấn đề này,” ông Hùng cho hay.

Khẳng định Việt Nam quy định pháp luật thống nhất từ Trung ương đến địa phương, chứ không có cái nào là “lệ làng”, theo vị Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, mức độ vi phạm và hậu quả của vụ việc là khác nhau thì sẽ xử lý khác nhau.

“Khi tài xế chưa gây ra tai nạn mà có nồng độ cồn cao thì sẽ chỉ có thể xử lý hành chính, còn trong trường hợp gây tai nạn thì sẽ xử lý hình sự và việc xử lý sẽ có sự kết hợp của các cơ quan chức năng như công an, Viện kiểm sát… Việc xử lý nghiêm là tiêu chí đặt lên hàng đầu. Khi đã liên quan đến việc xử phạt hình sự thì các cơ quan chức năng có liên quan sẽ xem xét ở nhiều góc độ,” ông Hùng nói.

Đề cập đến người vi phạm nồng độ cồn có thái độ chống đối, lăng mạ, hành hung người thi hành công vụ, ông Hùng đánh giá, người vi phạm nồng độ cồn ở mức độ cao, có hiện tượng mất kiểm soát về tinh thần, thần kinh, có phản ứng không bình thường nhiều hơn những người ở trạng thái không vi phạm nồng độ cồn.

Là đơn vị trực tiếp xử lý vi phạm nồng độ cồn, Đại tá Bình cho biết, để xử lý một trường hợp vi phạm nồng độ cồn có khi mất 30 phút, thậm chí là cả tiếng đồng hồ nếu có hành vi chống đối.

“Quyền lực giao cho Cảnh sát giao thông bảo vệ người dân và cưỡng chế người vi phạm là rất yếu. Bình thường việc kiểm tra đã khó thì người có nồng độ cồn càng khó bởi khi có nồng độ cồn thì hành vi chống đối, không chấp hành cao hơn. Cảnh sát giao thông chỉ có quyền yêu cầu chấm dứt vi phạm, ra khẩu lệnh, còn phương tiện tạm giữ…,” Đại tá Bình giãi bày.

Dẫn chứng một số nước kiểm soát chặt chẽ hành vi vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe như khi kiểm tra phát hiện thì có quyền tạm giữ lái xe về đồn cảnh sát gần nhất, phương tiện khoá lại cẩu về để lưu giữ và làm nhanh các biện pháp cưỡng chế để ngăn chặn. Có nước ra quyết định tạm giữ 15 ngày để hoàn thiện hồ sơ gửi ra toà, nếu thấy hành vi vi phạm ấy vi phạm hình sự thì còn phạt tiền, phạt tù.

Cần xử lý căn cơ từ gốc, rễ

Qua nghiên cứu dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia, các đại diện buổi tọa đàm có quan tâm đến một số yếu tố như nơi được uống rượu bia, đối tượng tiếp cận, đối tượng được bán, loại rượu bia nào được và không được bán.

Theo ông Hùng, hiện nay quy định những quán nhậu, nhà hàng không được bán quá 22 giờ đã được đưa ra khỏi dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải quy định thời gian bán rượu bia ở các điểm kinh doanh rượu bia, trong đó có các quán nhậu, nhà hàng…, có ý kiến khác nói cần phải xem xét đến yếu tố về văn hóa truyền thống và hoạt động kinh doanh.

“Riêng Luật phòng chống tác hại của rượu bia phải quy định chặt chẽ, nghiêm đối với trách nhiệm của người bán rượu bia,” vị Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định.

[Chặn ‘ma men’ gây tai nạn: Kiểm soát tiếp cận rượu bia mới là gốc]

Ví dụ, bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi nếu bị phát hiện có thể bị xử lý như thế nào; thậm chí nếu người dưới 18 tuổi bị ảnh hưởng sức khoẻ còn bị xử lý hình sự… Những quy định này phải rất rõ, mới kéo giảm tác hại của rượu bia nói chung, trong đó có tác hại của rượu bia dẫn đến tai nạn giao thông…

Liên quan đến vấn đề văn hóa rượu bia, Đại tá Bình đặt ra hàng loạt nghi ngại rượu bia ở mức độ nào đó là văn hóa, nhưng vượt qua mức độ đó là tệ nạn. Văn hoá phải giữ nhưng phải tiên tiến, tức uống nhưng phải bảo vệ mình. Uống thì không lái xe, ai lái xe thì không uống. Uống có trách nhiệm với mình, với gia đình thì sẽ có trách nhiệm với toàn xã hội.

“Nếu sử dụng rượu bia ở không gian riêng thì tự do, còn ở nơi công cộng hay nhà hàng phải có thời gian và giấy phép, rượu bia bán phải được kiểm soát về chất lượng, làm thủ công thì chỉ phục vụ bản thân chứ không được phép kinh doanh,” Đại tá Bình quả quyết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục